Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Đưa Câu lạc bộ Bạn đọc Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đi vào hoạt động hàng tuần

  • 15/05/2024
  • 295

Thư viện là “linh hồn” của trường học, cho nên cần nghiên cứu và tham khảo môn học “Thư viện” của các nước. Để xây dựng những kỹ năng mềm, trường học của các nước có nền giáo dục thành công đều dựa vào Thư viện, Phòng Thí nghiệm và một hệ thống câu lạc bộ (CLB) với rất nhiều sự lựa chọn về các môn thể thao, mỹ thuật, kỹ năng sống, sáng tạo, phục vụ cộng đồng...


CLB thường được xem như “phần mềm” của trường học, có tính linh hoạt cao cho cả trường học, học sinh và huy động được tài năng của các giáo viên khác nhau trong cộng đồng. Nhiều trường phổ thông hiện đại ở các nước phát triển có các CLB rất thành công, thậm chí là tâm điểm để học sinh thực hành và thể hiện những mục tiêu học tập như sự hợp tác, tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, trách nhiệm với cộng đồng... Nên có quy định về Thư viện hoặc môn học Thư viện, đồng thời sử dụng hệ thống CLB trong trường học như một thành phần quan trọng để gắn việc học với việc thực hành. Hướng tới đào tạo ra những công dân toàn diện, cân bằng về học thuật, phẩm chất… Tóm lại, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nên xem xét tăng cường yếu tố tư duy toàn cầu, để hướng tới đào tạo ra những công dân giàu bản sắc Việt Nam nhưng đủ hiện đại để làm chủ các xu hướng toàn cầu, chứ không chỉ trong tâm thế “sẵn sàng chờ hội nhập”. Một nền giáo dục tiến bộ phải có kết cấu chặt chẽ theo đúng thông lệ của một chương trình khung hiện đại mà nhiều nước đang áp dụng, bao gồm khá đầy đủ những yếu tố cần thiết để việc dạy và học thành công. Tuy nhiên, việc dạy và học sẽ không thành công khi thiếu vắng các yếu tố toàn cầu và vai trò của Thư viện, Phòng Thí nghiệm và một hệ thống các CLB để hỗ trợ mục tiêu học tập.

 

Để tạo ra những công dân toàn cầu lấy tinh thần phụng sự cộng đồng, quốc gia và nhân loại làm lý tưởng cống hiến, chúng ta cần đưa ra những phẩm chất và năng lực tiêu chuẩn cho người học của thế kỷ XXI mang giá trị phổ quát của nhân loại bao gồm: Ham học hỏi, có kiến thức tốt, biết cách tư duy, giao tiếp tốt, có nguyên tắc, cởi mở đầu óc, quan tâm, chấp nhận thử thách, cân bằng, có khả năng tự vấn (Hoặc: Ham học hỏi, kiên trì, đạo đức, khả năng giao tiếp, khả năng tư duy, hợp tác, tôn trọng và khả năng thích nghi)… Điểm yếu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam dù có cùng một cách tiếp cận là đưa ra các mục tiêu dành cho người học, nhưng lại thiếu vắng những giá trị toàn cầu quan trọng như: Biết cách tư duy, cởi mở về tư duy, chấp nhận thử thách, hợp tác, có khả năng thích nghi...


Về hệ thống môn học thì giáo dục phổ thông của hầu hết các quốc gia đều đảm bảo những nội dung học tương tự nhau, dù có gọi tên khác nhau, tích hợp nhiều môn làm một hay tách ra thành các phân môn riêng nhưng nhìn chung đều bao gồm: Tiếng mẹ đẻ, toán, khoa học tự nhiên và sự sống (lý, hóa, sinh), khoa học xã hội và nhân văn (lịch sử, địa lý, kinh tế, tâm lý học...), công nghệ (tin học, kỹ thuật) là các môn nền tảng, ngoài ra có các môn khác để đảm bảo giáo dục toàn diện và cân bằng là giáo dục thể chất, nghệ thuật (âm nhạc, hội họa, kịch nghệ), ngôn ngữ khác (ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc khác...).

Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu giáo dục này thì môn học “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” không cần thiết phải tách ra thành một môn học riêng, mà chỉ nên là một phương pháp giáo dục được tập huấn cho mọi giáo viên. Nâng cao kỹ năng sống, nhận thức về mọi mặt trong học tập, lao động cho học sinh, giúp học sinh phát triển năng lực, rèn luyện những kỹ năng cơ bản để học tốt hơn… là mục đích của CLB Thư viện trong trường học. Đây là mô hình mới xuất hiện trong các trường phổ thông. Nhiệm vụ của CLB là tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, thu hút bạn đọc đến Thư viện, giúp học sinh nâng cao nhận thức, phát triển năng lực, rèn luyện những kỹ năng cơ bản để học tốt… CLB ra đời, nhất là khi được đầu tư, trang bị đầy đủ các loại sách thì lượng học sinh tìm đến Thư viện ngày càng nhiều. Không chỉ khuyến khích, thu hút giáo viên, học sinh đến Thư viện tìm đọc các loại sách cần thiết trong quá trình giảng dạy, học tập, CLB còn tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, thiết thực để khơi dậy niềm đam mê đọc sách. Điển hình là những cuộc thi về sách được tổ chức thu hút nhiều thí sinh tham gia, trải nghiệm. Đây là một hoạt động ý nghĩa, thu hút, khuyến khích học sinh tìm hiểu, sáng tạo để có thể giới thiệu hình thức, nội dung những cuốn sách được chọn một cách ấn tượng nhất. Không chỉ thế, CLB còn tổ chức giới thiệu những cuốn sách mới, cần cho quá trình học tập, ôn thi…

Với cách làm trên, CLB Thư viện thật sự mang đến một "luồng gió mới" cho Văn hóa đọc. Đây là mô hình cần được áp dụng trong các trường phổ thông và phát huy hoạt động các loại hình CLB để góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở hiện nay. Trong đó công tác xây dựng các mô hình CLB trực thuộc, tổ chức phối hợp với hệ thống thiết chế cơ sở từ tỉnh đến huyện xây dựng mô hình điểm về CLB, qua đó tạo không gian văn hóa lành mạnh đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa của người dân.

CLB là đội, là nhóm của những người có cùng sở thích, có cùng nhu cầu và nguyện vọng được thành lập. Hoạt động của CLB mang tính xã hội, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự đầu tư kinh phí, tự chủ về điều kiện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chuyên ngành. Cũng có thể nói, CLB là tổ chức của những cộng tác viên thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên ngành và cơ quan quản lý để cùng hoạt động vừa để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, giải trí sáng tạo, vừa để truyền dạy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Do đó, CLB vừa là một hình thức tổ chức, vừa là một phương thức hoạt động được áp dụng trong các thiết chế văn hóa nghệ thuật từ trung ương đến cơ sở.

Xuất phát từ vai trò vị trí và tác dụng của các loại hình CLB trong thiết chế văn hóa, ngành Văn hóa nói chung, Thư viện nói riêng cần quan tâm và chú trọng đến việc thành lập, hướng dẫn và nhân rộng mô hình CLB trong phạm vi toàn tỉnh. Hoạt động của CLB là một hình thức xã hội mang tính tự chủ góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và  Nhà nước…

Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống CLB hiện nay cũng còn một số tồn tại hạn chế như:

- Sự phát triển của CLB còn mang tính tự phát và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, cơ quan Nhà nước;

- Cơ sở vật chất hoạt động, địa điểm hoạt động của các CLB không có chỗ sinh hoạt ổn định chủ yếu là thuê mướn, không đủ diện tiết mặt bằng để các CLB hoạt động;

- Một số CLB sinh hoạt tại trụ sở đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn do cơ sở đã được xây dựng khá lâu năm, có sự xuống cấp, phòng sinh hoạt nhỏ, thiếu, vì vậy quy mô tổ chức tổ chức sinh hoạt ở mức độ vừa phải;

- Nguồn kinh phí hiện nay ngoài khoản tự đóng góp của các thành viên CLB, hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm của các cấp, các ngành chính quyền địa phương;

- Chưa có các cơ chế chính sách hỗ trợ, động viên khuyến khích hoạt động CLB;   

- Kinh phí nghiệp vụ đầu tư cho hoạt động CLB còn khiêm tốn, chưa thể tổ chức các hoạt động quy mô lớn quy tụ các CLB khác trong và ngoài tỉnh; sự giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động CLB vẫn còn giới hạn trong khuôn khổ đơn vị;

- Các tài năng phát hiện thông qua các hoạt động của CLB chưa được quan tâm và động viên kịp thời;

- Về chuyên môn, các tài liệu hướng dẫn hoạt động CLB còn ít và cũ; vẫn chưa có các lớp tập huấn quy mô hướng dẫn về mảng hoạt động này, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các CLB;

- Tiếp tục điều tra, nắm bắt nhu cầu hoạt động của bạn đọc và người dân, từ đó đề xuất, khuyến khích thành lập các loại hình CLB mới theo sở thích nhu cầu; nghiên cứu tìm tòi, thể nghiệm xây dựng các mô hình, mẫu hình hoạt động của CLB;

 - Thường xuyên tổ chức giao lưu biểu diễn, hội thi, hội diễn giữa các CLB, giữa các huyện, thành phố và các tỉnh bạn để trao đổi học tập, kinh nghiệm lẫn nhau;

- Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát các hoạt động, đưa hoạt động của các CLB đúng tôn chỉ mục đích và quy định của pháp luật.

- Có những chính sách động viên khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể tiên tiến xuất sắc trong hoạt động của các CLB;

Từ những hạn chế trên nên trong thời gian tới các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan chuyên môn thường xuyên mở các lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn và phương pháp công tác cho cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở và chủ nhiệm các CLB trên địa bàn toàn tỉnh, đề ra những giải pháp mang tính hữu hiệu để hoạt động CLB ngày càng phát triển, lan tỏa có chiều rộng và chiều sâu.



Có thể nói, từ thực tế hoạt động của CLB Tiếng Anh và những kết quả đạt được, trong những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển Văn hóa đọc ở Bà Rịa – Vũng Tàu; vừa thực hiện phương châm xã hội hóa, vừa thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, giải trí sáng tạo của thế hệ trẻ, vừa phát huy các giá trị văn hóa trong hoạt động Thư viện, do vậy việc phục hồi hoạt động của CLB Tiếng Anh tại Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ngày 11 tháng 5 năm 2024 vừa qua, CLB Bạn đọc Thư viện tỉnh BR-VT đã làm lễ ra mắt tại Hội trường Thư viện, tổ chức sinh hoạt hàng tuần 2 buổi, tiến tới thành lập các CLB chuyên đề Văn học, Thơ ca, Nhạc họa…, có hướng dẫn chỉ đạo về phương pháp tổ chức hoạt động, về công tác CLB trong toàn tỉnh nói chung và hệ thống thiết chế Thư viện nói riêng là yêu cầu cấp bách của ngành Văn hóa và Thể thao tại Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay./.

Huỳnh Tới

Thư viện tỉnh BR-VT

  • Minh Thư (Vietnam+)