Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập

  • 31/08/2024
  • 89


Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập / Trần Kư. - H.: Quân đội nhân dân, 2005. - 81tr. ; 19cm

Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, người Cha già của dân tộc đã dành cả cuộc đời mình để lo cho dân, phục vụ nước. Người không chỉ là nhà chính trị tài giỏi mà còn là một nhà văn, nhà thơ đa tài với kho tàng văn học đồ sộ.

Trong vô vàn những tác phẩm để đời đó, nổi bật lên là tác phẩm "Tuyên ngôn Độc lập" được chắp bút khi Người rời Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Đó không chỉ là ẩn chứa khát vọng, khát khao cháy bỏng về độc lập tự do dân tộc mà còn nêu lên tội ác của kẻ thù, vạch trần bộ mặt xảo trá của chúng.

Trong cuốn Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập của nhà báo Trần Kư đã viết như sau: “Trong đời Bác đã viết nhiều nhưng đây là một lần viết trong sự sung sướng không giấu nổi. Điều gì đã khiến cho Cụ Hồ sung sướng đến mức không giấu nổi, nhất là Cụ vốn người điềm đạm, tự chủ rất cao và trong đời viết cũng không phải là ít...”.

Tác giả đã đề ra ba khía cạnh chính để làm rõ thêm bản lĩnh kiệt xuất của Bác trong lãnh đạo bấy giờ, càng thấm thía công lao vô cùng to lớn của Bác đã góp vào việc tạo nên bản Tuyên ngôn lịch sử mà chúng ta có trách nhiệm phải ghi nhớ công ơn trời bể này, ở đây, hôm nay, mai sau và mãi mãi…

“Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” đề cập đến 3 phần chính:

1. Cụ Hồ đã viết nhiều: Trong các hoạt động nổi tiếng của Bác, ta hãy tạm khoanh ở đây vào hoạt động viết và xét bản Tuyên ngôn nằm trong một số hoạt động viết quan trọng của Bác.

2. Nhưng đến bây giờ: Tức là đến tháng 8/1945 mới viết được một bản Tuyên ngôn như thế. Cái thời điểm gọi là “đến bây giờ” có liên quan đến thời cơ cách mạng, đến cả quá trình từ trước dẫn đến thời điểm ấy và cả đến thời hạn để viết bản Tuyên ngôn rất gấp.

3. Đối tượng bản Tuyên ngôn độc lập: Viết cho ai? Ngoài nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, còn ai nữa cần tranh thủ lúc đó.

Ngoài 3 phần chính trên, tác giả còn đề cập đến “Nghĩ thêm về hình thức, thể loại, bố cục của bản tuyên ngôn…”.

Bác Hồ là người Việt Nam duy nhất, một lãnh tụ chính trị đầu tiên ở Việt Nam được lịch sử trao cho trách nhiệm vẻ vang nhưng rất nặng nề là thảo ra một bản tuyên ngôn kiểu mới, hoàn toàn mới không giống bản tuyên ngôn nào từ xưa đến nay, nhất là nó phải đánh dấu cho sự mở đầu ở Việt Nam một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên dân chủ cộng hòa, sau khi đã đánh đổ chính thể quân chủ phong kiến hàng nghìn năm và chế độ thực dân áp bức hàng trăm năm.

Sau khi phân tích những điều Bác Hồ viết trong bản Tuyên ngôn độc lập cả 2 mặt về nội dung và hình thức, tác giả đã rút ra những tính chất chính mà Bác đã xây dựng nên khi thảo ra bản Tuyên ngôn đó là: Tính tổng kết; Tính long trọng; Tính tiến công; Tính khẩn trương quyết liệt; Tính nhiều tác dụng, tính tác chiến nhiều mặt; Màu sắc của dân tộc Việt Nam nhưng phải có Tính hiện đại, tính quốc tế….

Viết một bản tuyên ngôn với các tính chất tối thiểu như thế trong một hoàn cảnh như thế, trong một thời điểm sôi sục như thế, với một thời điểm cấp bách như thế, phải nói vô cùng khó khăn. Nhưng Bác Hồ đã thành công.

“Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” là cuốn sách ý nghĩa góp phần tìm hiểu văn bản chính luận Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp người đọc hiểu sâu sắc thêm về một thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam.

Kim Yến

Phòng Công tác Bạn đọc - Thư viện tỉnh BR-VT

  • Minh Thư (Vietnam+)