Học tập suốt đời là một hành trình, hành trình đó bắt đầu từ những trang sách trong gia đình.
Gia đình - Mái nhà của văn hóa đọc
Buổi sáng cuối tuần yên ả. Trong căn phòng nhỏ ở khu tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), bà Trần Minh Phượng và các cháu yên tĩnh đọc sách. Mỗi người một cuốn theo sở thích và nhu cầu riêng.
Thi thoảng, bà Phượng lại kéo cái kính xuống mũi, nhướn mắt nhìn lũ trẻ say mê đọc sách, có lúc lại bật cười vì bé An nhỏ tuổi nhất (6 tuổi) còn đang nhận mặt chữ, tập đánh vần ê a. Thấy các anh chị đọc được nhiều sách, cô bé An phụng phịu nói với bà: “Con muốn học chữ nhanh để đọc sách như mọi người”.
Bà Phượng rất khéo léo khi biến việc đọc sách trở thành một phong trào thi đua trong gia đình. Trong tuần, mỗi cháu sẽ tự chọn một cuốn sách để đọc. Đến buổi đọc sách chung, mỗi người sẽ giới thiệu và nói qua về nội dung của cuốn sách mà mình đọc. Bà đóng vai trò “trọng tài”, chấm điểm xem bé nào giới thiệu về cuốn sách hay nhất, sẽ được thưởng một món quà. Không khí thi đua sôi nổi, khích lệ lũ trẻ đọc nhiều sách hơn để chia sẻ với mọi người.
Tạo hứng thú đọc sách cho trẻ bằng các phong trào thi đua trong gia đình.
Bà Phượng chia sẻ: “Ngày nay, internet phát triển, trẻ nhỏ bị thu hút bởi bị các thiết bị công nghệ như điện thoại, Ipad, thời gian dành cho việc đọc sách bị hạn chế. Những buổi đọc sách chung là một trong những cách để gia đình xây dựng và duy trì thói quen cho các con. Đối với trẻ nhỏ, điều quan trọng nhất là tạo được sự hứng thú. Tôi nghĩ các phong trào thi đua để trẻ có động lực, ham thích sẽ là cách rất tốt để chúng hào hứng với việc đọc sách”.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển, người lớn cũng bị cuốn vào thế giới internet, dành thời gian cho điện thoại và máy tính nhiều hơn đọc sách. Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một thí dụ. Hai vợ chồng trẻ với công việc bận rộn, ngày đi làm, tối về nhà mỗi người vẫn “dán mắt” vào điện thoại. Đến khi các con bắt đầu có hiện tượng "nghiện" điện thoại vợ chồng chị Hoa mới giật mình: Phải thay đổi. Từ đó, quy định của gia đình được thiết lập: Mỗi tối, khi các con chưa đến giờ học bài, cả gia đình sẽ dành 30 phút cùng nhau đọc sách. Không ai được xem tivi hoặc dùng điện thoại. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rửa bát. “Bản thân người lớn cũng cần có kỷ luật để tạo dựng thói quen tốt. Mình phải thay đổi, tạo dựng thói quen tốt thì con trẻ mới học theo được. Việc đọc sách cũng vậy, cha mẹ mà không có thói quen đọc sách thì không thể đòi hỏi con trẻ biết đọc sách, ham đọc sách được”, chị Hoa chia sẻ.
Gia đình coi trọng việc học, phụ huynh có thói quen đọc sách sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ biết yêu cuốn sách. Học tập suốt đời cũng từ đó được vun bồi. Gia đình không chỉ là nơi nuôi dưỡng thể chất mà còn là cái nôi của tri thức.
Nhân rộng các “cộng đồng đọc”
Không chỉ dừng lại ở việc đọc sách cá nhân, nhiều gia đình còn tạo ra các không gian đọc chung, tổ chức các buổi trao đổi về sách trong khu dân cư. Mô hình này giúp trẻ em hình thành thói quen đọc sách, đồng thời kết nối cộng đồng và lan tỏa tinh thần học tập suốt đời.
Để giúp con có một môi trường đọc sách thường xuyên, phù hợp lứa tuổi, sáng thứ 7 nào chị Trần Thị Thanh Nga (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đưa con đến đọc sách tại câu lạc bộ đọc sách. Nằm trong một con ngõ nhỏ ở khu tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” được thành lập năm 2010 theo ý tưởng của Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh. Đây là mô hình hoạt động xã hội phi lợi nhuận, tập trung vào đối tượng trẻ em và gia đình của trẻ với mục tiêu tạo thói quen đọc sách và tự học cho trẻ.
Phụ huynh đọc sách cùng các con tại câu lạc bộ "Đọc sách cùng con".
Đến sinh hoạt tại câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, bé Tuệ Minh (8 tuổi) đã tìm được nhiều bạn có cùng sở thích. Không khí đọc hăng say càng khích lệ trẻ thêm yêu những cuốn sách.
“Các em nhỏ hơn con cũng đến sinh hoạt tại đây, các em chưa biết đọc chữ thì chúng con sẽ đọc to cho các em cùng nghe. Ở đây có rất nhiều sách thiếu nhi hay, con đã đọc được rất nhiều sách” - Tuệ Minh chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, duy trì thói quen đọc sách không những hạn chế được sự cám dỗ của thế giới công nghệ; mà còn giúp trẻ mở ra những chân trời mới. Sự kiên nhẫn từ người lớn là một lời khích lệ bền bỉ để trẻ em hứng thú với việc tự đọc và tự học. Việc đọc sách, tự học là một hoạt động cá nhân, độc lập. Trong thời đại công nghệ phát triển, văn hóa nghe nhìn đang lấn át như hiện nay, sự cổ vũ từ cộng đồng là rất cần thiết.
Những hoạt động chia sẻ các cuốn sách hoặc trò chuyện cùng tác giả tạo nên hứng thú cho trẻ trong việc đọc.
Cùng với dòng chảy chung trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, văn hóa đọc đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo số liệu được cung cấp từ Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương: Mỗi năm toàn ngành xuất bản, xuất bản trên 500 triệu bản sách với gần 40 nghìn tên sách. Tỷ lệ sách đạt 6,02 bản/người/năm. Cả nước hiện đang xuất bản trên 600 tạp chí, gần 200 đầu báo với số lượng hàng triệu bản... Những phong trào sách hóa nông thôn, xây dựng tủ sách dòng họ, tủ sách khuyến học, khuyến tài trên nhiều vùng miền cả nước đã cung cấp nguồn sách, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân.
Ngày 30 tháng 7 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1373 phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Đề án với mục tiêu tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập. Bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đề có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở. Góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Trong các giải pháp tổ chức thực hiện có việc xây dựng văn hóa đọc sách là một trong những nội dung quan trọng trong học tập suốt đời.
Văn hóa đọc có thể xem là cốt lõi của mọi nền văn hóa, là thành tố trung tâm trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như xây dựng nền tảng tri thức, phương cách ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân, cộng đồng xã hội.
Một xã hội học tập, một thành phố học tập bao giờ cũng cần xuất phát từ các cá nhân học tập và gia đình học tập. Môi trường gia đình chính là môi trường đầu tiên tạo dựng thói quen đọc sách. Để xây dựng văn hóa đọc phải bắt đầu từ những trang sách đầu tiên của trẻ trong gia đình.