
Văn hóa Biển đảo
qua tín ngưỡng và lễ hội truyền thống Việt Nam/ Lê Thái Dũng biên soạn.-
Hà Nội: Nxb. Dân trí, 2020.
Việt Nam là quốc
gia Biển, có bờ biển dài trên 3.260km với hàng nghìn đảo lớn nhỏ, phân bổ đều
khắp đất nước. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Biển đảo luôn có
vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt, là bộ phận cấu thành chủ quyền
thiêng liêng của Tổ quốc, vừa khởi tạo không gian sinh tồn, đồng thời bồi đắp
không gian văn hóa rất khoáng đạt, phong phú và đặc sắc. Văn hóa Biển đảo là một
bộ phận quan trọng của nền Văn hóa Việt Nam, thống nhất trong đa dạng, đậm đà bản
sắc dân tộc, tồn tại mãnh liệt trong tâm thức người Việt. Trong Văn hóa Biển đảo,
nhiều tín ngưỡng và lễ hội dân gian độc đáo được ghi dấu, lưu giữ, trao truyền,
phát triển đến ngày nay, trở thành nét đẹp truyền thống, đặc trưng của người
dân miền biển.
Với mong muốn
góp phần cung cấp những tư liệu, thông tin đúng đắn, phù hợp, thiết thực cho bạn
đọc về Biển đảo dưới góc nhìn văn hóa, Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT)
giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Văn
hóa Biển đảo qua tín ngưỡng và lễ hội truyền thống Việt Nam”. Sách
do Lê Thái Dũng biên soạn, được Nhà xuất bản Dân trí ấn hành năm 2020. Cuốn
sách được chia làm ba chương:
Chương 1: Những
nét chính về Biển đảo trong Văn hóa Việt Nam
Biển đảo không
chỉ nằm trong ký ức của người Việt Nam từ xưa mà những gì Biển đảo đem lại còn
được ghi rõ trong sử sách. Trong chương 1, cuốn sách giới thiệu đến bạn đọc những
nét chính, khái quát nhất về Văn hóa Biển đảo qua dấu tích khảo cổ học; yếu tố Biển
đảo gắn liền từ thời lập quốc của người Việt; qua nền ẩm thực dân gian, qua các
hoạt động giao thương đường biển…
Chương 2: Văn
hóa Biển đảo qua tín ngưỡng Việt Nam
Cũng vì gắn bó với
Biển đảo mà Biển đảo đã đi vào tín ngưỡng của người Việt từ bao đời nay. Đến với
chương 2, tác giả khái quát đôi nét về Văn hóa Biển đảo qua tín ngưỡng dân gian
và một số tục thờ phụng mang yếu tố Biển đảo như tục thờ Lạc Long Quân, tục thờ
cúng Thần Biển, tục thờ Long vương, tục thờ Cá voi… Điều này được thể hiện rõ
qua hệ thống cơ sở thờ tự liên quan tới Biển có rất nhiều, đậm đặc nhất là ở
các vùng ven biển với nhiều đền thờ, am, miếu lớn nhỏ trải khắp từ trong Nam ra
Bắc.
Chương 3: Văn
hóa Biển đảo qua lễ hội truyền thống Việt Nam
Hầu hết các lễ hội
đều bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Lễ hội
được hiểu là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng, thu hút đông
đảo quần chúng tham gia. Lễ hội xuất hiện khắp mọi nơi trên cả nước nhưng lễ hội
ở các địa phương vùng biển Việt Nam vừa độc đáo, đặc sắc vừa mang đậm hơi thở
cuộc sống của người dân vùng biển. Trong phần này, bạn đọc sẽ được khám phá một
số lễ hội tiêu biểu của 27 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam.
Nội dung trong
sách “Văn hóa Biển đảo qua tín
ngưỡng và lễ hội truyền thống Việt Nam” được trình bày ngắn gọn,
khái quát, có trọng tâm giúp bạn đọc nắm được những kiến thức cần thiết nhất, đồng
thời cũng giới thiệu đến bạn đọc những nét đặc sắc về Văn hóa Biển đảo ở mỗi
vùng miền, địa phương; qua đó làm nổi bật tính phong phú, đa dang của Văn hóa
Việt Nam nói chung và Văn hóa Biển đảo nói riêng.
Hy vọng, qua cuốn
sách “Văn hóa Biển đảo qua tín
ngưỡng và lễ hội truyền thống Việt Nam”, bạn đọc sẽ nhận thức được tầm
quan trọng của Biển đảo đối với cuộc sống, chủ quyền và vị trí chiến lược về quốc
phòng - kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Sách hiện có tại
Thư viện tỉnh BR-VT. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa!
Thảo
My
Phòng Công tác Bạn đọc
- Thư viện tỉnh BR-VT