Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Tạo dựng phong trào đọc sách và văn hóa đọc hiện nay

  • 22/01/2024
  • 359

Văn hóa đọc không phải là một thao tác kỹ thuật mà là sự thể hiện năng lực và trình độ tiếp nhận của người đọc, là việc đọc có chủ đích, có mục tiêu để bổ sung, làm “giàu có” hơn cho người đọc những cái họ cần thiết, họ có nhu cầu và từ đó người đọc tạo dựng cho mình một kỹ năng, một phương pháp đọc nhằm nâng cao hiệu quả cao nhất của quá trình tiếp nhận.


Các lễ hội sách tại Việt Nam thời gian qua thu hút sự quan tâm của bạn đọc và những người yêu thích sách.

Một số người chỉ đọc bằng mắt rất nhanh và có khi đọc khá nhiều, nhưng đọc lướt qua rồi quên nhanh, không để lại được bao nhiêu tri thức cho mình, trong khi đọc phải trải qua sự đồng cảm, sự rung động, thấu hiểu và cả khả năng phản biện khi thấy cần. Và đó mới chính là văn hóa đọc. Điều đó đồng nghĩa với việc, để có văn hóa đọc, rất cần giáo dục và sự tự rèn luyện. Phải chăng, chúng ta chưa quan tâm đến yêu cầu đó trong nhà trường nói riêng và trong xã hội nói chung.

Nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trong xã hội hiện đại gắn chặt với văn hóa đọc của xã hội. Từ tầm nhìn đó, vấn đề xây dựng văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc trở thành một nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài. Xã hội Việt Nam trong khoảng 30 năm qua đã và đang có những biến động, biến đổi sâu sắc, toàn diện và phức tạp trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong sự biến đổi, biến động và phát triển đó, việc đọc và văn hóa đọc ở nước ta cũng đang diễn ra tưởng như rất thầm lặng, nhưng thật sự mạnh và sâu, đã xuất hiện những dấu hiệu và đặc điểm mới khác với những năm trong thời kỳ chiến tranh và trước đổi mới. Thực tế những năm gần đây, việc đọc và văn hóa đọc đang có sự phân hóa, phân nhóm và cá thể hóa rõ rệt. Cần phải nhìn nhận đây không phải là dấu hiệu tiêu cực mà coi đó là biểu hiện tất yếu của trình độ được nâng cao của người đọc và sâu xa hơn nữa, đó là dấu hiệu của quá trình dân chủ hóa trong đời sống tinh thần xã hội.

Mặt khác, do quá trình đó vẫn đang diễn ra, chưa định hình, cho nên nhất thiết phải nhận diện nó để định hướng và đáp ứng cho sự phát triển hợp quy luật, đồng thời điều chỉnh những xu hướng tiêu cực khó tránh khỏi trong sự biến đổi đang còn nhiều bề bộn đó.

Từ góc độ những suy nghĩ, dự báo khoa học, có thể nhận diện các xu hướng đó. Nổi trội hơn cả hiện nay là xu hướng đọc phục vụ cho nghề nghiệp của từng nhóm người. Người đọc có thể bỏ qua những loại sách không liên quan đến nghề nghiệp, chuyên môn của mình để tập trung tìm kiếm, sưu tầm, nghiền ngẫm, nghiên cứu loại sách chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp, chuyên môn của mình.

Những năm gần đây, xu hướng này trở thành một nhu cầu thiết thân, cấp thiết và cũng từ đó đã hình thành các tủ sách chuyên ngành như vậy của nhiều người đọc thuộc các ngành nghề khác nhau. Đáp ứng xu hướng đó, xuất bản đã chú trọng các loại sách chuyên ngành, chuyên sâu như vậy. Đó là bước tiến đáng mừng của văn hóa đọc hiện nay và xu hướng đó chắc chắn tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Khoảng 20 năm trở lại đây, khi truyền thông hiện đại-internet phát triển đã tạo nên những biến đổi mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tác động tích cực đến sự phát triển chung, đồng thời cũng gây ra những tác động tiêu cực, trong đó có vấn đề đọc và văn hóa đọc của người Việt Nam. Đặc biệt, thời gian qua, việc ngày càng nhiều người đọc trên mạng đang là một xu hướng lớn, làm biến đổi sâu sắc diện mạo, nội dung, phương thức đọc và tác động trực tiếp đến phương thức đọc truyền thống là đọc sách và báo in.

Đây là một xu hướng biến đổi chưa từng có trong văn hóa đọc của chúng ta. Một khối lượng tri thức khổng lồ, toàn diện, đa chiều, trong đó có rất nhiều giá trị và cả những phản giá trị đến với người đọc một cách nhanh chóng và cực kỳ thuận lợi qua các phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại. Những cánh cửa lớn được mở ra tạo điều kiện cho người đọc tiếp cận, tiếp nhận, nâng cao trình độ hiểu biết của mình, nhanh chóng bổ sung, bù đắp những tri thức người đọc cần biết và những thông tin cập nhật nhất.

Sự tương tác trực tiếp giữa người đọc với nhau đã tạo nên một làn sóng hoàn toàn mới làm thay đổi nội hàm quen thuộc của khái niệm đọc với ý nghĩa chỉ là sự tiếp nhận. Cư dân mạng- một khái niệm mới xuất hiện. Cùng với những mặt tích cực là chủ yếu đó, đối với việc đọc đã và đang có những dấu hiệu tiêu cực đáng quan tâm.

Trong số đó, tôi chỉ nêu lên một vài biểu hiện đáng lưu ý của kỹ năng đọc trên mạng. Đọc nhanh, biết nhanh, truyền tin nhanh và quên cũng nhanh là biểu hiện của một bộ phận cư dân mạng đang rơi vào tình trạng đó. Phải chăng đã xuất hiện những người đọc lấy nhanh tri thức trên mạng và biến báo nhanh thành tri thức của mình mà thực tế cho thấy ở không ít bài báo, tạp chí và cả ở những bài viết tiểu luận, thi cử, tập huấn, thậm chí sống ảo, rơi vào thế giới ảo, tách khỏi đời sống thực.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện xu hướng đọc theo nhu cầu cá thể, sự say mê, ý thích riêng và có những người đọc chịu khó đọc, sưu tầm sách để tạo ra những tủ sách như vậy. Đồng thời, còn có xu hướng đọc giải trí, không nhằm một chủ đích gì cụ thể, tìm đến sách để giải tỏa sự căng thẳng, đọc sách khi có thời gian nhàn rỗi.

Từ xu hướng này, người đọc không ưa những loại sách dày, những sách có sức chuyển tải vấn đề lớn và sâu về cuộc sống, số phận con người, những sách đòi hỏi sự lý giải, phân tích của tư duy, từ đó, một loại sách giải trí, đáp ứng nhu cầu thị trường của một bộ phận công chúng xuất hiện, trong đó có những cuốn có tính giải trí lành mạnh, dễ đọc và cả những đầu sách giải trí tầm thường, tẻ nhạt, thậm chí dung tục, rẻ tiền.

Gần đây, đã có nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận nhau về vấn đề có hay không sự xuống cấp của văn hóa đọc và liệu có sự lấn át của văn hóa nghe nhìn đối với văn hóa đọc? Với riêng tôi cảm nhận, có lẽ không nên nhìn việc đọc và văn hóa đọc chỉ theo hướng đánh giá đó mà cần tìm ra sự vận động, biến đổi bên trong của chính văn hóa đọc, cho dù nhìn trên sự thể hiện cụ thể của nó, có thể dẫn tới sự nghi ngại, lo lắng nêu trên.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới đánh giá về sự xuống cấp của văn hóa đọc phải chăng là đã và đang xuất hiện một xu hướng đáng lo ngại là sự lười đọc. Biết bao vấn đề đặt ra cho con người trong cuộc sống hiện đại, cuốn hút họ vào guồng máy, nhịp sống khẩn trương, dồn ép căng thẳng. Mặt khác, một bộ phận chạy theo các nhu cầu đòi hỏi vật chất, không quan tâm đến đời sống tinh thần của mình và sách vở trở thành xa lạ, xa xỉ đối với họ.

Có một bộ phận cán bộ chỉ có thời gian đọc các báo cáo, tài liệu hành chính, rồi họp hành liên miên nên đã đánh mất khả năng tạo ra cho mình một nếp đọc sách... Bệnh lười học, lười đọc sẽ dẫn tới sự tụt hậu, sự hẫng hụt tri thức trong khi tri thức đang phát triển cực kỳ nhanh chóng, cái mới trên tất cả các lĩnh vực xuất hiện hằng ngày, thay thế cho cái cũ đã lỗi thời.

Những cảm nhận nêu trên về các xu hướng biến đổi việc đọc và văn hóa đọc ở trên có lẽ chỉ là tương đối và không chắc đã là chuẩn xác, đầy đủ. Tuy vậy, từ đó có thể tạm coi là cơ sở thực tiễn để suy nghĩ về việc triển khai xây dựng, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng và xã hội học tập.

Khi bàn về vấn đề này, chúng ta nghĩ ngay đến một nguyên lý có tính phổ quát, đó là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, của mọi người. Không có cách nào khác, song cũng không nên biến nó thành khẩu hiệu suông, cần chỉ đạo và tổ chức có kế hoạch, kiên trì và sáng tạo để tất cả vào cuộc, thực hiện đúng vai trò của mình.

Ở góc độ xuất bản, từ nắm bắt và dự báo các xu hướng biến đổi việc đọc và văn hóa đọc đang diễn ra, có lẽ xuất bản của chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn. Mục tiêu nhằm định hướng hoạt động cho lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong giai đoạn đất nước đang có những chuyển biến nhanh chóng về chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục.=

Cũng từ đó, tôi đề xuất ba nhiệm vụ cần xử lý biện chứng trong hoạt động xuất bản. Thứ nhất, cần xử lý mối quan hệ vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, mới và cụ thể hóa của người đọc, vừa có trách nhiệm định hướng toàn diện về nhân cách con người. Trước đây, xuất bản của chúng ta coi nhiệm vụ định hướng từ trên xuống là chủ yếu.

Những năm gần đây, ngược lại, đang xuất hiện một số đầu sách chỉ chú trọng thỏa mãn nhu cầu người đọc, dù có thể đó là nhu cầu tầm thường, nhất thời, đôi khi cả rẻ tiền. Trong đáp ứng phải chứa đựng năng lực định hướng và sức thuyết phục của định hướng phải nằm ngay trong các xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu của người đọc. Thứ hai, xử lý mối quan hệ giữa tôn trọng và thực hiện tính đa dạng của các loại sách, của các đề tài và kiên trì bảo đảm cho dòng mạch chính của các xuất bản phẩm.

Trước đây, chúng ta có biểu hiện né tránh và cả cấm đoán một số lĩnh vực, đề tài được gọi là “nhạy cảm”. Ngược lại, những năm gần đây, có biểu hiện thiếu vắng, xuất bản với số lượng không nhiều những xuất bản phẩm đề cập tới các vấn đề lớn của đất nước, của dân tộc trên các lĩnh vực trọng yếu, trong khi có dấu hiệu “tràn lan” những loại xuất bản phẩm chạy theo nhu cầu của thị trường, tiêu thụ nhanh, lấy lãi lớn, nhưng cũng có thể bị lãng quên ngay.

Cần đầu tư nhân lực, tài lực, vật lực, trí lực cho việc xuất bản những loại sách có giá trị lâu dài, góp phần xây dựng toàn diện nhân cách con người Việt Nam thời kỳ mới, đồng thời với việc tạo cho sự phát triển đa dạng, phong phú các loại sách, các đề tài mới.

Nhiệm vụ cuối cùng là xử lý mối quan hệ mới giữa xuất bản và phát hành. Từ nhiều năm nay, chúng ta quen nhìn nhận như một tất yếu rằng, phải đi từ xuất bản mới đến phát hành, nghĩa là phát hành là công đoạn kết thúc của quy trình xuất bản. Ngày nay, nhận thức đó đã bộc lộ sự lạc hậu khi xuất hiện thị trường xuất bản phẩm và các nhu cầu ngày càng mới của người đọc.

Phát hành và kinh doanh sách là lực lượng nắm vững, thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu người đọc, của thị trường, từ đó có thể chỉ ra nhu cầu xã hội và thị trường đang cần gì và không cần gì, người đọc đang có nhu cầu những loại sách nào, những thị hiếu mới đang phát triển của người đọc là gì. Từ đó, phát hành sẽ gợi ý và mách bảo cho xuất bản cần quan tâm đến những loại bản thảo nào, đề tài, nội dung và phương thức thể hiện như thế nào để phù hợp nhu cầu người đọc hiện đại.

Phải tạo nên sự tương tác hai chiều giữa hai công đoạn để hình thành một chu trình mới, từ phát hành đến xuất bản, trong đó phát hành là nhân tố tác động trực tiếp, tạo động lực và sự mách bảo cho xuất bản. Đây là mối quan hệ mới trong quy trình xuất bản hiện đại trong cơ chế thị trường. Từ góc nhìn đó, cần nâng phát hành lên thành một khoa học thật sự có nhiệm vụ nghiên cứu nhu cầu đọc và thị trường xuất bản phẩm.


GIÁO SƯ, TIẾN SĨ ĐINH XUÂN DŨNG

Nguồn: nhandan.vn

  • Minh Thư (Vietnam+)