Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Cô giáo trường làng và hành trình lan tỏa văn hóa đọc: “Đầu ra của việc đọc phải là nhân cách”

  • 04/11/2024
  • 42

Là giáo viên trường làng, nhiều năm qua, cô Trần Huỳnh Nhị - giáo viên Trường THPT Hòa Ninh (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) - còn được biết đến là một người truyền cảm hứng, lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng.


Cô giáo Trần Huỳnh Nhị

Cô Nhị không chỉ lập câu lạc bộ đọc sách, tổ chức Tết sách và nhiều hoạt động liên quan đến sách ở trường học mà còn biến ngôi nhà của mình thành phòng đọc sách cộng đồng Cà Chua Ngọt - nơi học sinh, sinh viên, phụ huynh có thể đến đọc sách tự do và được hướng dẫn cách đọc sách. Mấy năm nay, khi có dịp, cô giáo trường làng ấy lại đi nhiều nơi để nói chuyện khuyến đọc.

Khuyến đọc là cuộc sống, mà cuộc sống đi tới đâu thì mình đi tới đó

Phóng viên: Hiện nay, khi nhắc đến chuyện khuyến đọc, nhiều người tỏ vẻ e ngại. Ngược lại, ở chị lúc nào cũng toát ra nguồn năng lượng say mê, hạnh phúc khi nói về sách. Cơ duyên nào đã đưa chị đến với hành trình lan tỏa văn hóa đọc?

Cô Trần Huỳnh Nhị: Tôi là người thích đọc sách nhưng từ nhỏ đã thiếu sách. Năm lớp Chín, tôi được một người thầy tặng cuốn sách Người thầy đầu tiên của Ai-ma-tốp. Tôi đọc say mê và tự hỏi sao lại có những quyển sách hay như thế. Trước đó, tôi không có quyển sách nào ngoài sách giáo khoa.

Lên đại học, các bạn cùng lớp biết nhiều về những bộ sách, tác phẩm kinh điển của thế giới trong khi tôi không biết gì. 2 năm đầu đại học, tôi phải “cắm rễ” ở thư viện để lấp vào khoảng trống thiếu hụt thường thấy của học sinh vùng nông thôn.

Thế nhưng, động lực thúc đẩy tôi đến với câu chuyện lan tỏa văn hóa đọc là nhờ gặp được những người truyền cảm hứng. Người đầu tiên nói với tôi về sách là một người bạn, người anh, cũng là đồng nghiệp - thầy giáo Huỳnh Văn Thế. Năm 2016, anh Thế mời tôi về Trường THPT Mang Thít (nơi anh đang dạy) tham dự chương trình Tết sách do anh tổ chức.

Tết sách diễn ra vào mùng Bốn tết. Đến nơi, tôi thấy các em học sinh tổ chức rất nhiều hoạt động như biểu diễn văn nghệ, trưng bày sách, thi giới thiệu sách… Sau đó, mỗi bạn được lì xì 1 quyển sách. Một học sinh nói với tôi: “Cô ơi, cô thấy Tết sách của tụi con có vui không? Mỗi năm cô về dự với tụi con nha, đặng phụ thầy. Thầy con làm có một mình à!”. Nghe em nói vậy, tôi “ừ”, hứa với em mỗi năm sẽ cố gắng về 1 lần. Từ đó về sau, mỗi năm tổ chức Tết sách, tôi tham gia với vai trò người hỗ trợ phía sau.

Sau đó, câu lạc bộ (CLB) Sách và hành động Mang Thít được thành lập, mỗi tháng tổ chức sinh hoạt một lần. Tôi đến phụ thầy trò anh Thế công tác tổ chức và nhận viết thư pháp, vẽ tranh bán phụ CLB kiếm tiền mua sách. Anh Thế bán bánh tét, tụi nhỏ bán trứng, rau câu… để gây quỹ. Từ những hoạt động đó, tôi gắn bó với sách nhiều hơn.

Trong những đợt Tết sách và sinh hoạt CLB, tôi gặp được những người cùng chí hướng, những người bạn tâm giao, những người yêu sách và truyền cảm hứng thật sự. Cùng với đó, sự gắn bó bền chặt hơn với học trò, chứng kiến các em phát triển hơn mỗi ngày, tôi thấy lòng rộn ràng những niềm vui mà trước đó chưa hình dung được.

Đọc sách ở ban công phòng đọc Cà Chua Ngọt

* Chị đã bắt đầu như thế nào?

- Năm 2017, tôi bắt đầu thành lập CLB sách với quy mô nhỏ tại trường THPT Nguyễn Thông. Trường cho phép tôi sắp xếp phòng truyền thống để làm phòng sách. Giai đoạn đầu, nguồn sách ít. Tôi mang 150 quyển sách từ nhà vào, một số được anh Thế đưa về hỗ trợ và tôi sang thư viện trường ký mượn sách thêm. Cứ lúc nào không có tiết, tôi có mặt ở phòng sách để hướng dẫn, gợi cảm hứng cho học sinh đến đọc sách. Tôi giới thiệu sách trong các buổi chào cờ đầu tuần, bắt đầu tổ chức cho các em sinh hoạt định kỳ hằng tháng, mời một vài người yêu thích sách về trường chia sẻ.

Năm 2018, anh Thế mất, trao lại cho tôi ước mơ về sách đang dang dở. Trước một con người đã sống cuộc đời đầy ý nghĩa như anh, tôi thấy mình cần có trách nhiệm. Tôi bước ra bên ngoài, chủ động kết nối, tham gia các hoạt động cộng đồng nhiều hơn. Tôi cũng thiết kế tiết dạy đọc sách cho các tiết trải nghiệm của môn văn.

* Chọn bước trên một con đường không nhiều người đi, hẳn hành trình của chị gặp không ít chông gai?

- So với những người đi trước, tôi thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khó khăn cũng nhiều.

Thứ nhất, những người xung quanh chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của việc đọc sách nên nhìn những gì tôi làm là lạ, thậm chí hoài nghi, dè chừng. Người ta không biết tôi làm việc này để làm gì; tự nhiên tốt bụng đến mức bỏ tiền túi ra mua sách cho người khác đọc miễn phí, rồi bỏ thời gian công sức ra mà chẳng thu lại lợi ích gì… Giữa rất nhiều người không đọc sách, tôi bị định kiến là người không thực tế, không bình thường. Vì vậy, tôi không có nhiều sự ủng hộ, đồng hành. Việc không có người đọc ở thời gian đầu cũng thách thức sự kiên nhẫn của tôi.

Thứ hai là thiếu sách và thiếu kinh phí hoạt động. Tôi không biết phải tìm nguồn sách ở đâu. Thú thật, khi bước chân vào khuyến đọc, tôi cũng chỉ mới bắt đầu đọc sách nhiều hơn, do đó chưa có kinh nghiệm nhiều để hướng dẫn tụi nhỏ đọc sách một cách bài bản.

Thứ ba là quỹ thời gian. Muốn làm người khuyến đọc, trước hết, tôi phải đọc sách. Ngoài công việc chính là dạy học, tôi dành phần lớn thời gian tại phòng sách khiến quỹ thời gian dành cho gia đình cũng bị bớt lại. Chưa kể, lương giáo viên không nhiều, mỗi tháng tôi đều trích một khoản để bổ sung nguồn sách cho CLB.

Thư viện Trường THPT Hòa Ninh luôn là địa điểm thu hút học sinh

* Khó khăn nhiều vậy, có lúc nào chị chán nản hay có ý định bỏ cuộc?

- Tôi là một người bình thường, nên khi đối mặt với khó khăn, cảm xúc buồn, chán nản, lo lắng đến thường xuyên. Tuy nhiên, tôi có điểm mạnh là luôn lạc quan. Sau những khó khăn, tôi nhận ra sẽ làm khuyến đọc bằng niềm vui. Niềm vui ấy không đặt 100% vào việc có người đọc hay không mà thiết lập niềm tin vào ý nghĩa, giá trị của việc mình làm. Việc không xem khuyến đọc là chuyện cá nhân mà gắn với ý nghĩa xã hội giúp tôi nhận thấy sự cộng hưởng giá trị và tin rằng sớm muộn gì hoạt động này cũng sẽ ổn.

Trước khó khăn, tôi bắt đầu phân tích lý do mọi người không thích đọc sách để tìm giải pháp. Trong quá trình đó, tôi phát hiện mọi người cho rằng người làm khuyến đọc khổ. Thế là tôi chuyển hướng để mọi người thấy tôi làm khuyến đọc vui chứ không khổ. Tôi bắt đầu hành trình trở thành người khuyến đọc hạnh phúc. Nhờ đọc sách, cuộc sống của tôi rộng mở, chuyên môn tốt hơn, thấu hiểu và giúp đỡ được nhiều người hơn.

Phụ huynh cùng con tham gia hoạt động Chạm sách được tổ chức định kỳ tại thư viện Miệt Vườn

* Đến thời điểm này, có thể nói những mô hình khuyến đọc của chị xuất hiện rất nhiều trên báo chí, truyền hình. Chị có thấy hài lòng hay thấy mình đã thành công trong việc lan tỏa văn hóa đọc?

- Tôi không làm để hài lòng hay để người khác đánh giá thành công hay không thành công. Với tôi, khuyến đọc như cuộc sống, mà cuộc sống đi tới đâu thì mình tới đó. Tôi chỉ nhìn lại xem mình đã làm được gì, chưa được gì, cần làm thêm những gì. Trên hành trình tôi đi, có rất nhiều điều dễ thương giúp tôi có niềm tin để bước tiếp những bước dài hơn. Chỉ cần còn đủ sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục làm.

Từ khi bắt đầu đến với khuyến đọc, tôi cũng không nằm ngoài “quy trình” chung thường thấy là hừng hực lửa, hình dung rất nhiều về tương lai. Sau 10 năm, tôi điềm tĩnh hơn và không còn đặt ra những con số cụ thể. Mỗi ngày, tôi hướng đến việc làm sao để những người xung quanh, mà gần nhất là học sinh của mình - muốn đọc sách chứ không phải vì tôi mà đọc sách. Các em tiếp nhận việc đọc vì được tôi truyền cảm hứng nhưng làm sao để nguồn cảm hứng đó chuyển hóa thành nhu cầu, hành vi tự giác bên trong mới là điều quan trọng.

Cần tạo ra môi trường đọc sách đúng nghĩa

* Chị nhận định như thế nào về thói quen đọc sách của mọi người trong những năm gần đây?

- Thế hệ chúng ta trở về trước bám vào sách như là phương tiện học tập, giải trí duy nhất. Hiện nay, ngoài sách, còn có rất nhiều cách để tiếp cận thông tin.

Những năm gần đây, hoạt động đọc được quan tâm nhiều hơn nhờ có sự lan tỏa, tác động của các phương tiện truyền thông. Dù vậy, điều đó chưa đủ để hình thành nên một cộng đồng đọc sách. Dễ thấy lắm, bạn đến trường học hoặc thư viện, những nơi công cộng sẽ thấy số lượng học sinh, sinh viên cầm sách đọc rất ít.

Cô giáo Trần Huỳnh Nhị hướng dẫn trẻ đọc sách

* Có vẻ điều đó cũng không đủ để khẳng định rằng thế hệ hiện nay lười đọc sách. Họ có thể đọc nhiều cách khác nhau, không nhất thiết phải cầm 1 quyển sách trên tay thì mới gọi là đọc?

- Không phủ nhận xu hướng của người đọc ngày nay là tìm đến những phương tiện mới, dễ tiếp cận hơn, thuận tiện hơn với những thông tin ngắn và các công cụ hỗ trợ tìm nhanh. Việc tiếp cận thông tin quá nhanh đã dẫn đến nhiều hệ lụy mà truyền thông cảnh báo nhiều trong những năm gần đây, nhất là tình trạng trẻ bị nghiện điện thoại.

Tôi không có bất kỳ thành kiến nào với việc đọc online. Ai thuận tiện đọc theo cách nào thì cứ làm. Đó là chuyện cá nhân. Vấn đề tôi muốn nói là hình ảnh cộng đồng đọc sách. Làm sao để thấy một cộng đồng đọc sách chân thật, đi đến đâu cũng có thể nhìn thấy.

Riêng với trẻ em, tôi không ủng hộ việc đọc sách thông qua công nghệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi tiếp cận điện thoại sớm sẽ có rất nhiều vấn đề ảnh hưởng đến phát triển tư duy, ngôn ngữ hằng ngày. Ngay cả người lớn cũng không cưỡng được trước những cuốn hút mà các phương tiện công nghệ hiện đại mang lại. Do đó, khi trẻ đến không gian đọc của Cà Chua Ngọt, tôi sẽ cho tiếp cận 100% với sách giấy.

* Theo chị, đâu là những thách thức lớn nhất trong việc lan tỏa văn hóa đọc hiện nay?

- Liên tưởng đến việc đọc sách, tôi nghĩ thách thức lớn nhất của câu chuyện đọc hiện nay chính là môi trường. Ở không gian gia đình, nếu nhà có tủ sách, cha mẹ mỗi ngày đọc sách thì con cái có môi trường định hướng đọc sách. Một hành vi mà cả cộng đồng ai cũng làm thì cá nhân sẽ tự nhiên làm theo. Đằng này, hiện nay, đi đâu cũng không thấy người ta cầm sách đọc, việc một ai đó thích đọc bị xem là khác thường thì làm sao có văn hóa đọc!

* Theo chị chia sẻ, “cộng đồng đọc sách” chính là từ khóa quan trọng của câu chuyện khuyến đọc. Làm sao để tạo nên cộng đồng này?

- Ngay cả việc ăn uống, đi đứng rất cơ bản trẻ vẫn cần được dạy. Vậy mà người lớn hiện nay cứ đòi trẻ đọc sách mà không hề dạy. Xem như việc này trẻ tự biết. Không đứa trẻ nào tự biết đọc sách mà không cần hướng dẫn. Ngay cả bản thân tôi đã làm khuyến đọc nhưng khi chạm đến những quyển sách có chuyên môn cao, tôi vẫn phải tìm người hướng dẫn.

Để tạo ra cộng đồng, trước hết phải có người hướng dẫn. Nếu môi trường của việc học là trường học thì môi trường của việc đọc sách là thư viện, là các không gian đọc. Thư viện, không gian đọc không có người hướng dẫn, không dạy cho người đọc để họ đọc một cách có chất lượng thì khó tạo ra không gian cộng đồng.

Cộng đồng của chúng ta có quá nhiều người chưa được hướng dẫn nên việc đọc chất lượng không diễn ra. Ở Cà Chua Ngọt, tôi không để các bé tự đọc một mình mà ngồi đó hướng dẫn, trả lời câu hỏi, gợi mở để trẻ khám phá thế giới xung quanh. Trẻ đọc xong 1 quyển sách, tôi cho các con kể lại câu chuyện để luyện trí nhớ. Tiếp theo là hoạt động ứng dụng, trải nghiệm. Ví dụ, khi cho bé đọc 1 quyển sách về tình thương, sản phẩm là các bé phải có tình thương, câu chuyện đó phải chuyển hóa thành nhân cách của trẻ. Với tôi, đầu ra của việc đọc phải là nhân cách chứ chỉ tri thức thì chưa đủ. Việc đọc sách phải hướng đến mục đích cao nhất để những yếu tố về giá trị, tinh thần ngấm vào chúng ta, hình thành nhân cách.

* Hiện nay, lan tỏa văn hóa đọc được xem là nhiệm vụ mang tầm quốc gia. Đi đâu cũng có thể bắt gặp những phong trào, mô hình phát triển văn hóa đọc. Chị nhìn nhận như thế nào về những phong trào này?

- Muốn việc đọc sách trở thành văn hóa, cần 2 yếu tố: đánh thức (truyền cảm hứng) và chuyển hóa thành hành vi thường ngày. Muốn làm gì phải có người dẫn đường (tức yếu tố đánh thức). Và tôi nghĩ, các phong trào hiện nay làm được điều đó.

Tuy nhiên, sau nhận thức, cần sự chuyển hóa thành hành vi thường ngày. Việc đọc chỉ trở thành văn hóa khi nó là hành vi thường ngày của một cộng đồng, một xã hội, một đất nước. Vấn đề nằm ở chỗ phong trào của chúng ta đa phần chỉ nhìn vào cái tức thời và thiếu kế hoạch dài hạn. Trong khi đó, đọc sách không phải là cái gì khi rảnh mới làm, đến mùa mới rầm rộ mà nhất thiết phải đi đường dài.

Không gian đọc tại thư viện Miệt Vườn

Khi chia sẻ, tôi nhận được nhiều hơn

* Để có không gian đọc cho trẻ, cụ thể là với phòng đọc Cà Chua Ngọt, chị phải gói ghém không gian sống của gia đình mình, dành phòng ốc cho những hoạt động khác nhau khi trẻ đến đọc sách. Việc chia sẻ không gian sống, không gian riêng tư của gia đình với một hoạt động mang tính chất cộng đồng có mang lại cho chị sự bất tiện?

- Tôi khẳng định là có. Hiện tại, phụ huynh và các con biết hết nhà tôi từ trước ra sau, từ trên xuống dưới. Ban đầu, tôi làm phòng đọc ở một không gian khác, tách biệt với nhà mình. Tuy nhiên, khi làm bằng cách nhìn đó, tôi lại gặp khó khăn. Tôi đi suốt. Chưa kể, việc ra bên ngoài buộc tôi phải tìm những người đồng hành. Điều đó vô tình gắn công việc, đam mê của tôi với người khác nhưng thiếu sự cam kết. Sau một thời gian giải quyết nhiều sự cố, tôi mang phòng sách về nhà mình. Thôi thì đam mê của mình thì mình mang về sống chung để khỏi phải bận lòng, làm phiền ai. Thay vào đó, tôi làm phiền người thân. Giữa người ngoài với người thân, việc làm phiền người thân sẽ nhận được sự bao dung nhiều hơn.

* Chồng con của chị đón nhận điều đó như thế nào? Họ sẵn sàng đồng hành với chị trong câu chuyện khuyến đọc?

- Thật ra lúc đó người thân vì thương mình quá nên không nói gì, chỉ im lặng để tôi làm. Với tôi, sự im lặng đó đồng nghĩa với sự cho phép, động viên. Điều đó vô cùng quý giá. Nếu muốn họ phải đồng hành, hỗ trợ, có phải tôi đang đòi hỏi quá nhiều?

Khi xác định khuyến đọc là lẽ sống, sau nhiều lần trăn trở, tôi đem khuyến đọc về nhà chung sống. Lúc này tôi lại nhận ra cuộc sống với công việc không nhất thiết phải tách rời nhau. Công việc có thể hiện diện trong cuộc sống và ngược lại, miễn sao điều đó khiến tôi hạnh phúc. Nhận thức đó giúp tôi bỏ qua những điều bất tiện để cảm nhận mình có nhiều niềm vui hơn, có thời gian nhiều hơn cho gia đình.

Khi làm phòng sách ở nhà, người thân của tôi cũng nhận ra nhiều điều ý nghĩa. Con tôi có thêm bạn đọc sách, có thêm những người bạn mới cùng tần số. Chưa kể, khi các bé sang nhà đọc sách, chồng tôi hiểu công việc của vợ hơn. Anh hiểu rõ niềm vui của tôi nằm ở đâu, khó khăn ở đâu và khi thấy các bé mến, quấn quýt cô, lắng nghe phụ huynh chia sẻ những tình cảm chân thành, anh thấy vợ mình sống có ý nghĩa.

Thêm vào đó, việc mở phòng sách tại nhà khiến mọi người, đặc biệt là phụ huynh nghĩ tôi đang chịu thiệt thòi nên hết lòng đồng hành, thấu hiểu. Vậy là, khi chia sẻ không gian sống, tôi nhận lại sự đồng hành, thấu hiểu, được hỗ trợ rất nhiều trong cuộc sống.


* Chị đã nhắc đến sự cần thiết phải có 1 kế hoạch dài hạn cho khuyến đọc. Vậy khi thành lập phòng đọc Cà Chua Ngọt, kế hoạch dài hạn của chị là gì?

- Khi thành lập Cà Chua Ngọt, tôi đã sẵn sàng với việc biến ngôi nhà của mình thành nơi đọc sách cộng đồng. Mọi người bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể đến đây đọc, tìm nguồn cảm hứng. Bản thân tôi sẽ cố gắng để nơi đây trở thành môi trường học tập có chất lượng, người tìm đến sẽ có thêm nguồn năng lượng.

Cụ thể, mỗi bé sau 2 tháng đến Cà Chua Ngọt sẽ hình thành được niềm yêu thích đọc sách và có thói quen đọc. Theo đó, tôi hướng dẫn phụ huynh lập tủ sách gia đình và hướng dẫn phụ huynh đọc sách cùng con. Sau khi các con có thói quen đọc ở nhà, tôi đề nghị bớt thời gian đến phòng đọc để tiếp tục hướng dẫn những gia đình khác. Văn hóa đọc trước hết phải có được từ trong mỗi gia đình, ngay khi các con còn nhỏ.

Tôi mong mỗi phụ huynh trở thành nhân tố khuyến đọc, có thể xây dựng những tủ sách nhỏ cho dòng họ, hàng xóm. Hiện tại đã được một vài phụ huynh như thế. Tôi cũng đang mở rộng, tìm những người tâm huyết để cùng làm. Khu vực 4 xã cù lao An Bình - gần trường tôi đang dạy - hiện tại đã có thư viện Miệt Vườn đặt trong ngôi nhà cổ của chị Út Trinh với gần 6.000 cuốn sách. Tôi và chị Trinh đang nỗ lực để thúc đẩy việc đọc sách của học sinh và người dân các xã miệt vườn.

Tôi bước chậm từng bước như vậy. Có thể nói, tôi vững lòng với những việc mình đang làm bởi cảm nhận được sự cộng hưởng giá trị rất tích cực đối với những người xung quanh.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.


Thu Lê (thực hiện)

Nguồn: phunuonline.com.vn

  • Minh Thư (Vietnam+)