Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Xây dựng các mô hình hoạt động phát triển văn hoá đọc tại tỉnh BR-VT

  • 16/06/2020
  • 680

Văn hóa đọc là một lĩnh vực, là một bộ phận của văn hóa. Văn hóa đọc là một trong những giá trị cốt lõi thể hiện trình độ dân trí và tiềm năng phát triển của cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Nhờ hoạt động của văn hóa đọc, con người và xã hội loài người có điều kiện để tự hoàn thiện mình, không ngừng vươn tới sự hiểu biết và các giá trị chân - thiện - mỹ. Văn hóa đọc luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tri thức nói riêng và phát triển xã hội nói chung. Qua sự phát triển của văn hóa đọc có thể thấy sự phát triển của đất nước. Vì vậy, xây dựng văn hóa đọc cũng đồng nghĩa với xây dựng và phát triển đất nước.

Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (viết tắt UNESCO) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày Sách và Bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day) là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra sách. Đây cũng là dịp để khuyến khích cộng đồng, nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hoá đọc. Tại Việt Nam, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao tri thức, xây dựng kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Việc triển khai đề án phát triển văn hoá đọc trong thư viện tại ba khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam giúp đánh giá thực trạng hoạt động của mạng lưới thư viện trong cả nước, xác định các tiêu chí cụ thể phục vụ cho việc xây dựng các mô hình văn hóa đọc trong các thư viện, chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp và mô hình phát triển văn hóa đọc có hiệu quả.

Trong nhiều năm qua, Thư viện tỉnh BR-VT đã không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thiện các quy trình xử lý nghiệp vụ, phát triển vốn tài liệu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thông tin, chú trọng công tác triển lãm, giới thiệu sách báo một cách trực quan, sinh động và hấp dẫn, phát triển hệ thống mạng lưới thư viện cơ sở. Nhằm thu hút bạn đọc, Thư viện tỉnh BR-VT đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Trong đó, việc nghiên cứu tổ chức, xây dựng các mô hình phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

1. Mục đích, yêu cầu xây dựng các mô hình phát triển văn hoá đọc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Xây dựng các mô hình phát triển văn hoá đọc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm xây dựng thói quen, rèn luyện kỹ năng đọc và phát triển phong trào đọc sách báo trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với bạn đọc thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Đa dạng hóa các hình thức phục vụ bạn đọc, thu hút, hấp dẫn người dân chú ý đến việc đọc sách cũng như tham gia vào các hoạt động do thư viện tổ chức. Tạo thói quen đọc sách và sử dụng thư viện, nhằm giúp thư viện trở thành một điểm đến quen thuộc của người dân trong tỉnh.

Cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Từ đó, nâng cao vai trò của thư viện đối với xã hội trong hoạt động văn hóa và giáo dục.

Đây là hoạt động thường xuyên và lâu dài nên cần có sự nỗ lực, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Thư viện tỉnh với các trường học và các đơn vị hữu quan; giữa các phòng chuyên môn của Thư viện tỉnh nhằm thực hiện tốt các mô hình phát triển văn hoá đọc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

2. Xây dựng các mô hình phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Trên cơ sở nhu cầu thực tế, Thư viện tỉnh đã xây dựng và phát triển các mô hình nhằm phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh BR-VT. Các mô hình được tổ chức tại Thư viện tỉnh được chia thành 2 loại hình chính đó là: Mô hình hoạt động phát triển văn hoá đọc trong thư viện và ngoài thư viện; được thực hiện xuyên suốt liên tục trong năm nhằm mục đích cuối cùng là phát triển văn hóa đọc cho người dân Bà Rịa - Vũng Tàu.

2.1. Mô hình hoạt động phát triển văn hoá đọc trong thư viện

+ Chương trình hoạt động ngoại khóa định kỳ dành cho học sinh các cấp tại Thư viện tỉnh

* Mục đích: Tăng cường phục vụ việc đọc sách cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh tiếp cận sách báo một cách thuận lợi, phù hợp với điều kiện học tập và quỹ thời gian của các em. Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp cho học sinh của nhà trường “Vui học - học vui” có liên quan mật thiết với sách báo, đưa các em đến với việc đọc sách một cách hào hứng, vui tươi và phấn khởi. Qua đó, từng bước giáo dục, hướng dẫn kỹ năng đọc và nâng cao văn hóa đọc cho học sinh nhà trường. Tạo sự chuyển biến sâu rộng về nhận thức và hành động đối với học sinh về văn hóa đọc, về thư viện. Tạo sự gắn kết giữa học sinh các trường với thư viện, giúp thư viện trở thành điểm đến quen thuộc của các em. Hỗ trợ, bồi dưỡng và nâng cao năng lực giáo dục, học tập một số môn học trong các nhà trường phổ thông.


* Nội dung được tổ chức gồm các hoạt động sau:

- “Vui đọc sách - vui nhận quà”: Theo dõi quá trình đọc sách của các em; biểu dương, tặng phiếu tích điểm và trao những phần quà tương ứng cho bạn đọc tích cực.

- Sinh hoạt chuyên đề “Chơi mà học - học mà chơi”: Tổ chức đố vui kiến thức, thuyết trình theo chủ đề, nhằm khuyến khích việc đọc nhiều sách, củng cố và mở rộng kiến thức; rèn luyện kỹ năng thuyết trình, mạnh dạn bày tỏ ý kiến cá nhân trước tập thể; bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, con người cũng như thế giới xung quanh.

 Hoạt động sân chơi: “Rèn luyện kỹ năng sống”: Rèn luyện khả năng làm việc nhóm, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết tập thể; rèn luyện sự khéo léo trong cách ứng xử, giao tiếp cũng như giải quyết vấn đề khi gặp một số tình huống nhất định; trang bị kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm thường gặp …

- Khéo tay hay làm: Hướng dẫn các em tự thiết kế và viết sách mini; thiết kế và trang trí vật dụng tái chế và các vật liệu phế thải khác; tự làm đồ thủ công đơn giản. Qua đó, rèn luyện sự khéo léo và tính mỹ thuật; phát huy tính sáng tạo, khả năng ngôn ngữ, tư duy; giúp các em biết trân trọng và yêu quý sách, bảo vệ môi trường…

+ Câu lạc bộ tiếng Anh - chương trình thực hành tiếng Anh miễn phí:

* Mục đích: Xuất phát từ nhu cầu thực tế về nâng cao trình độ ngoại ngữ của thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh, cùng với định hướng phát triển các hoạt động thư viện liên quan đến việc đọc sách, đặc biệt là khai thác triệt để và phát huy tính hiệu quả của kho tài liệu tiếng Anh, quảng bá và thu hút người dân đến đọc sách, Thư viện tỉnh BR-VT phối hợp với Câu lạc bộ Tiếng Anh Bà Rịa (Baria English Club - BEC) và sinh viên khoa Tiếng Anh - Trường Cao đẳng Sư phạm BR-VT tổ chức Chương trình “Thực hành tiếng Anh miễn phí” cho tất cả những ai có nhu cầu cải thiện khả năng giao tiếp ở môn ngoại ngữ này.


Hoạt động Câu lạc bộ Tiếng Anh tối thứ hai và thứ năm hàng tuần

* Nội dung: Chương trình được tổ chức định kỳ vào lúc 19g00 đến 21g00 tối thứ hai hàng tuần tại trụ sở Thư viện tỉnh BR-VT, tập trung vào các nội dung rèn luyện cách phát âm, từ vựng, phản xạ nhanh trong nghe - nói cũng như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình tự tin, lưu loát bằng tiếng Anh. Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia sinh hoạt, giao lưu của nhóm tình nguyện viên người nước ngoài đến từ các nước Hoa Kỳ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Kenya, Singapore…

Với mong muốn tạo ra một không gian thực hành tiếng Anh thân thiện, thoải mái và an toàn, loại bỏ tính mô phạm cứng nhắc của những buổi học tiếng Anh thông thường, chương trình triển khai các nội dung trên thông qua hình thức các hoạt động sôi nổi, vui nhộn và hấp dẫn gồm: Trò chơi; thảo luận, thuyết trình theo các chủ đề khác nhau; Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm… Các nội dung trên được xây dựng, thiết kế một cách đa dạng, phù hợp với các đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, chương trình còn được thường xuyên xen kẽ các nội dung liên quan đến sách cũng như khuyến khích đọc sách, đặc biệt là sử dụng kho sách tiếng Anh của Thư viện tỉnh. Chương trình tạo không gian thực hành tiếng Anh thoải mái, an toàn và thân thiện; giúp phá bỏ rào cản ngôn ngữ khi giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài. Đồng thời, khai thác hiệu quả nguồn tài liệu tiếng Anh cũng như tăng cường sử dụng các nguồn tài liệu của thư viện một cách có định hướng và giáo dục cao. Qua đó, quảng bá hoạt động của thư viện, thu hút người dân đến đọc sách và sử dụng các dịch vụ thư viện, từ đó nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

+ Sinh hoạt hè:

Tại phòng Thiếu nhi, trong các dịp hè, bên cạnh việc phục vụ bạn đọc tại chỗ, cho mượn sách về nhà, hướng dẫn cách sử dụng thư viện, phương pháp chọn và đọc sách hiệu quả. Thư viện tiến hành tổ chức nhiều hình thức hoạt động liên quan đến việc đọc sách một cách phong phú, hấp dẫn, ý nghĩa và đặc biệt là phù hợp với đặc thù lứa tuổi thiếu nhi nhằm giúp cho việc đọc sách từ một hoạt động tĩnh lặng trở nên sinh động, hấp dẫn. Từ đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút không chỉ thiếu nhi mà còn có các phụ huynh đến sử dụng thư viện và tham gia vào các hoạt động thư viện tổ chức.

+ Tổ chức các sự kiện, chương trình giao lưu:

* Mục đích: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tài liệu cũng như hoạt động của thư viện trong chuỗi các hoạt động phát triển văn hóa đọc. Tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực về sách cho giới trẻ, bồi dưỡng thói quen đọc sách và học tập tại thư viện cho học sinh, sinh viên.


Giao lưu với tác giả Lê Minh Quốc

* Nội dung: Thư viện tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, các buổi sinh hoạt chuyên đề, giao lưu tác giả, tác phẩm, giao lưu gương hiếu học; các lễ hội dành cho thiếu nhi, thanh thiếu niên cũng như các đối tượng bạn đọc khác nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn (ngày Sách Việt Nam, ngày Sách và Bản quyền thế giới; ngày Quốc tế thiếu nhi ...).

2.2. Hoạt động ngoài thư viện:

Với phương châm “Sách đi tìm người đọc”, Thư viện tỉnh tổ chức các hoạt động tại trường học, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng, thư viện cơ sở nhằm: Trang bị kỹ năng chọn và đọc sách hiệu quả với định hướng giáo dục cao, khuyến khích đọc sách một cách thích thú, biết bảo quản sách và có lòng yêu quý sách; phục vụ đọc sách phù hợp với đặc điểm, điều kiện và nhu cầu thực tế của học sinh tại trường học. Xây dựng vào phát triển văn hóa đọc một cách định kỳ, có chiều sâu và lâu dài.

+ Các cuộc thi về sách tại các trường học:

 Thực hiện kế hoạch liên tịch giữa Thư viện tỉnh BR-VT với các trường học về việc phối hợp tổ chức các hoạt động thư viện tại trường. Thư viện tỉnh đã cùng với các trường học phổ thông tổ chức các cuộc thi về sách: Cuộc thi “Quyển sách em yêu”; Cuộc thi Giới thiệu sách/ Kể chuyện sách; Cuộc thi Vẽ tranh; Cuộc thi Kiến thức muôn màu. Qua đó, tạo nên một không khí thi đua học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức và khuyến khích học sinh đọc sách, cập nhật kiến thức qua sách báo. Đồng thời, nhằm tranh thủ quảng bá hoạt động của mình, đây là dịp để Thư viện tỉnh chủ động lồng ghép giới thiệu vốn tài liệu, các sản phẩm thông tin, dịch vụ hiện có và các hoạt động tại Thư viện.


Một số tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi "Quyển sách tôi yêu" lần thứ nhất

+ Chương trình ngoại khóa dành cho học sinh tại trường học:

Nhằm mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài, Thư viện tỉnh tổ chức hoạt động ngoại khóa tại trường học theo yêu cầu phối hợp liên tịch của trường học.

Tương tự như tại thư viện, chương trình ngoại khóa dành cho học sinh tại trường học cũng bao gồm nội dung phục vụ đọc sách trong nhà trường như: Viết cảm nhận về sách, đố vui kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm, trò chơi nhóm, khéo tay hay làm … được tổ chức phù hợp cho từng khối lớp trong trường học, giúp học sinh tiếp cận với sách một cách vui vẻ, hào hứng và tích cực.


Các bạn học sinh tham gia trò chơi Kahoot trong chương trình sinh hoạt

+ Phục vụ lưu động và tổ chức “Ngày hội đọc sách”:

Để tăng cường phục vụ sách báo cho bạn đọc không có điều kiện đến thư viện, thu hút sự quan tâm của người dân đối với việc đọc sách và quảng bá hoạt động thư viện, tiến đến phát triển văn hóa đọc trong công đồng, Thư viện tỉnh tổ chức các đợt phục vụ lưu động cũng như “Ngày hội đọc sách” tại các trường học, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và một số địa điểm khác.

Nội dung: Phục vụ đọc sách kết hợp với các hoạt động sân chơi về sách nhằm tạo sự hấp dẫn, đa dạng hóa các phương thức phục vụ bạn đọc, quảng bá hình ảnh, hoạt động của thư viện và nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa đọc.

+ Cấp thẻ liên kết miễn phí cho học sinh, sinh viên, giáo viên:

Nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc đến sử dụng thư viện, tăng lượng bạn đọc, tăng vòng quay của tài liệu, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài liệu giấy cũng như tài liệu số, Thư viện tỉnh tiến hành cấp thẻ liên kết miễn phí cho một số giáo viên trường học; học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt hoặc vượt khó học giỏi; những bạn đọc tích cực ở các thư viện huyện, thành phố, thư viện cơ sở…

+ Xây dựng Tủ sách Ngoại văn tại trường học:

* Mục đích: Tổ chức phục vụ sách Ngoại văn cho đối tượng bạn đọc có nhu cầu tại Tp. Vũng Tàu, Tp. Bà Rịa và một số trường trung học phổ thông, Cao đẳng, Đại học… trên địa bàn tỉnh. Phát huy nguồn sách ngoại văn được tài trợ từ Quỹ Châu Á, Hội đồng Anh… giúp quảng bá, khai thác và phục vụ bạn đọc hiệu quả, tạo điều kiện cho một số đối tượng người đọc, nhất là học sinh sinh viên có điều kiện đọc những tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới, những ấn phẩm có giá trị về khoa học kỹ thuật bằng tiếng Anh. Quảng bá vốn tài liệu của Thư viện tỉnh, tạo sự kết nối với các đơn vị hữu quan trong việc phục vụ sách báo, góp phần xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện trên địa bàn tỉnh BR-VT.


Xây dựng tủ sách ngoại văn tại trường học

* Nội dung: Để phát huy nguồn tài liệu từ kho sách Ngoại văn, Thư viện tỉnh tổ chức xây dựng các tủ sách ngoại văn tại trường học. Thư viện tỉnh đã liên hệ với các trường tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế về đặc điểm, nhu cầu đọc của học sinh sinh viên, cán bộ viên chức tại trường, tình hình về tài liệu của tủ sách nhà trường… để có cơ sở triển khai chương trình. Trên cơ sở khảo sát thực tế, Thư viện tỉnh chọn lựa danh sách các trường cần phối hợp xây dựng, đặt tủ sách ngoại văn để phục vụ. Chọn lựa đầu sách có nội dung phù hợp với nhu cầu của đối tượng đọc ở từng trường, tiến hành chuyển tài liệu, phối hợp tổ chức phục vụ tại các trường. Trong quá trình phối hợp phục vụ sách ngoại văn tại trường, tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình phục vụ, thống kê số liệu phục vụ, đánh giá và có sự điều chỉnh cho phù hợp để kịp thời đáp ứng nhu cầu người đọc, phục vụ việc học tập, nghiên cứu và trau dồi khả năng ngoại ngữ trong nhà trường.

Phát triển văn hóa đọc là mục tiêu mang tầm quốc gia, trong đó, xây dựng thói quen đọc cho người dân là rất quan trọng để hướng đến một xã hội học tập. Hơn nữa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin với những thiết bị điện tử hiện đại tích hợp nhiều tính năng dần chiếm ưu thế, dẫn đến việc xa rời việc đọc sách báo của một bộ phận người dân. Chính vì vậy các Thư viện, nhất là thư viện công cộng muốn tồn tại và phát triển thì không còn con đường nào khác là phải mạnh dạn, tích cực đổi mới và nỗ lực không ngừng để hoàn thiện, bắt kịp thời đại và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng. Đa dạng hóa các phương thức phục vụ, triển khai các mô hình mới là xu hướng tất yếu để hòa chung vào sự phát triển của xã hội. Việc thực hiện các mô hình phát triển văn hoá đọc đã khơi dậy tình yêu với sách cho lứa tuổi thanh thiếu niên nói riêng và người dân BR-VT nói chung. Bằng sự mạnh dạn đổi mới mọi mặt, với những nỗ lực hết mình của tập thể cán bộ Thư viện tỉnh và các đơn vị hữu quan, việc triển khai thực hiện các mô hình đã bước đầu đạt nhiều thành quả đáng kể.

Phát triển văn hóa đọc cho người Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng là mục tiêu quan trọng mang tầm quốc gia, là sự nghiệp mang tính lâu dài. Để thực hiện được nhiệm vụ này, không chỉ riêng Thư viện mà mỗi cá nhân chúng ta, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội… đều phải cùng nhau chung tay góp sức mới có thể xây dựng một xã hội học tập, văn minh và một quốc gia phát triển bền vững.

---------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ)

2. Đại Dương (2011), Văn hóa đọc bị “lấn át” bởi văn hóa nghe, nhìn, Dân trí ngày 8/10/2011, Hà Nội.

3. Hoài Thương (2011), Muốn có văn hóa đọc, toàn dân phải đọc sách, Thể thao và văn hóa ngày 19/4/2011, Hà Nội.

4. Nguyễn Hữu Viêm (2009), Văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

5. Nguyễn Mạnh Hùng (2011), Văn hóa đọc: Đọc gì, ai đọc, đọc ở đâu?, Hà Nội mới ngày 17/4/2011, Hà Nội.

6. Nguyễn Tấn Thanh Trúc (2010), Xây dựng văn hóa đọc - Tại sao lại không đơn giản bắt đầu từ một giờ sinh hoạt thư viện?, Bản tin Thư viện, TP. Hồ Chí Minh.

Trần Xuân Chỉnh

Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu