Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Thanh niên xung phong biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng

  • 14/07/2021
  • 365

Ngày 15/7/1950, thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, tại đồi Gò Thờ, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, dưới chân núi Hồng, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương được thành lập (tiền thân của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam).

Trong cuộc chiến đấu vô cùng cam go ác liệt của cả dân tộc, Thanh niên xung phong TNXP tham gia giải tỏa lương thực, vũ khí, khí tài quân sự, sửa chữa cầu đường trên khắp mọi tuyến huyết mạch giao thông, những trọng điểm, cầu phà, ga tàu, bến bãi, kho tàng,…và đã có nhiều tấm gương tập thể và cá nhân TNXP làm rạng danh quê hương, đất nước.

Trong năm kháng chiến chống thực dân Pháp, TNXP đã luôn sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, có mặt trên các tuyến đường chiến lược ở những trọng điểm của chiến tranh, giáp mặt với quân thù, với tinh thần quên mình phục vụ, bất chấp sự hy sinh gian khổ, xung kích mở đường, chuyển lương tải đạn, kéo pháo, đào hầm, phục vụ chiến đấu. Những địa danh như: Đèo Pha Đin, đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi, cầu Tà Vài,… đã gắn liền với những chiến dịch Biên Giới, Hòa Bình, Trung Du, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ, ghi đậm dấu ấn về sự cống hiến, hy sinh và chiến công của lực lượng TNXP.

Phát huy truyền thống vẻ vang của TNXP thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chuyển sang giai đoạn gay go ác liệt, một lần nữa Trung ương Đảng và Bác Hồ lại giao cho Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tổ chức và chỉ đạo lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước ở Miền Nam. Cuối năm 1964, đầu năm 1965, quân và dân ta ở miền Nam liên tiếp giành được nhiều thắng lợi, đẩy chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mĩ đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn.

Để cứu vãn tình thế thất bại ở miền Nam, ngày 7/2/1965, đế quốc Mĩ chính thức phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên toàn bộ Miền Bắc nước ta với quy mô ngày càng lớn, mức độ ngày càng cao. Bằng hành động này, đế quốc Mĩ âm mưu, tham vọng sẽ ngăn chặn được sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, làm suy yếu tiềm lực kinh tế và tiềm lực quốc phòng của miền Bắc; gây tâm lí hoang mang, lo sợ trong nhân dân cả nước. Chúng tập trung máy bay, bom đạn đánh phá liên tục vào những trọng điểm giao thông (cầu, phà) trên các tuyến đường chiến lược (cả đường sắt và đường bộ).

Xuất phát từ yêu cầu rất khẩn trương và cấp bách của việc đảm bảo giao thông vận tải thời chiến chi viện cho chiến trường, ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71/CT-CP thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, tập trung làm nhiệm vụ đảm bảo công việc về giao thông vận tải trên các tuyến đường trọng yếu. Sau khi có Chỉ thị số 71/CT-CP, Bộ Lao động đã ra chỉ tiêu đợt đầu cho tuyển 5 vạn TNXP ở 12 tỉnh, thành miền Bắc gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hà Đông, Hải Hưng. Thực hiện Công văn số 3908/CN, ngày 26/11/1965 của Thủ tướng Chính phủ chuẩn y thành lập Đội TNXP 91(kí hiệu XP91TC), tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn) đã tổ chức tuyển chọn được 628 cán bộ, đội viên TNXP (trong đó có 5 người là giáo viên chuyên nghiệp, 5 người là cán bộ kĩ thuật giao thông), vượt 28 cán bộ, đội viên so với chỉ tiêu được giao.

Ở Miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam cũng giao cho Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Miền Nam thành lập lực lượng TNXP giải phóng Miền Nam, vừa phục vụ công tác giao thông vận tải ở Miền Bắc, vừa phục vụ chiến đấu ở Miền Nam.


Đồng chí Tống Văn Minh, Đại đội trưởng Đại đội TNXP 915 cùng đồng đội tại Di tích Quốc gia Địa điểm lưu niệm Thanh niên xung phong Đại đội 915 hy sinh ngày 24/12/1972

Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, lực lượng TNXP đã chứng tỏ vai trò to lớn của mình trong chiến đấu, lao động, sản xuất, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn TNXP đã dũng cảm mưu trí có mặt khắp nơi trên các tuyến đường trọng điểm của đất nước để đảm bảo thông đường cho xe ra mặt trận. Họ đã gác lại tình yêu, tuổi xuân tất cả vì Miền Nam ruột thịt. Hàng nghìn người đã vĩnh viễn nằm lại trên các cung đường, hàng trăm người bị thương, nhiều nữ TNXP đã trở về sống cô đơn, không chồng, không con. Chúng ta đã biết đến những chiến công quả cảm, hy sinh anh dũng của các thế hệ TNXP như 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc; 13 TNXP (11 nữ, 2 nam) ở Truông Bồn; 59 TNXP Đại đội 915, Đội TNXP 91 Bắc Thái (37 nữ, 22 nam);… là những TNXP điển hình cho hành động anh dũng ở hậu phương.

Chiến thắng lịch sử 30/4/1975, Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, hòa bình lặp lại, TNXP tiếp tục sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Nhiều đơn vị TNXP làm kinh tế, làng thanh niên ra đời. Dù ở thời kỳ nào, dù khó khăn đến đâu, thanh niên vẫn luôn làm theo lời Bác Hồ dạy:
       “Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Bốn câu thơ trên được Bác Hồ tặng cho TNXP trong lần Người đến thăm phân đội TNXP 312 tại khu rừng Cầu Nà Cù, thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn ngày 20/3/1951. Đây chính là lời giáo huấn, sự ghi nhận, gửi gắm niềm tin và tình cảm sâu sắc của Đảng, Bác Hồ dành cho thế hệ trẻ và TNXP Việt Nam trước vận mệnh của Tổ quốc; là tư tưởng chỉ đạo hành động nhằm rèn luyện ý chí, nghị lực cho TNXP và cho thế hệ trẻ Việt Nam. Tinh thần đó đã thấm sâu trong suy nghĩ, hành động của các thế hệ TNXP và không ngừng phát triển, phát huy ở mọi giai đoạn cách mạng Việt Nam./.

Hứa Thị Kiều Hoa
Trưởng phòng Khoa giáo,
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên

https://tuyengiaothainguyen.org.vn/