Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Bước tiến vững chắc của văn hóa đọc

  • 13/11/2024
  • 82

Dẫn việc sách tăng cả số lượng và chất lượng, các hoạt động về sách phong phú, thu hút đông đảo công chúng, TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng văn hóa đọc đang có bước phát triển vững chắc.


TS Nguyễn Mạnh Hùng

Với nhiều năm gắn bó với công việc làm sách, Chủ tịch Thái Hà Books, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng văn hóa đọc Việt Nam vẫn đang đi lên. Điều này có thể thấy thông qua sự quan tâm của công chúng tới các hoạt động, sự kiện về sách. Dẫu vậy, phát triển văn hóa đọc là một con đường dài cần sự tham gia của nhiều người chứ không riêng các đơn vị làm sách hay phía nhà quản lý.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sự tham gia của các nguồn lực bên ngoài ngành là điều cần thiết.

Văn hóa đọc Việt Nam đang trên đà phát triển

- Thưa ông, văn hóa đọc tại Việt Nam đã thay đổi và phát triển như thế nào trong những năm gần đây?

- Với những gì tôi chứng kiến, văn hóa đọc của chúng ta đã có những bước tiến vững chắc. Trước kia, để tìm được cuốn sách có chất lượng tốt, nội dung hay là điều không hề dễ. Cho đến ngày hôm nay, độc giả Việt Nam có thể thỏa sức tìm kiếm nhiều đầu sách nào cả. Có những ấn bản mới xuất hiện trên thế giới, rất nhanh đã có ngay bản tiếng Việt. Thậm chí, có tác phẩm còn ra cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài đồng thời.

Sách bây giờ được thiết kế đẹp, bắt mắt, ấn tượng. Bạn đọc có cơ hội lựa chọn sách mình cần, mình thích dễ dàng. Hơn thế nữa, ngồi ngay tại nhà, sách được giao đến tận nơi chỉ sau một ngày.

Người ta hay kêu ca văn hóa đọc đi xuống, nhưng tôi không thấy vậy. Những chương trình nói chuyện về sách, lan tỏa văn hóa đọc, giới thiệu sách vẫn luôn đông bạn đọc.

Tôi ấn tượng với rất nhiều chương trình mà khi hết giờ không ai muốn về, hội trường hay nơi tổ chức vẫn đông kín độc giả. Chúng tôi còn rất thích thú với những bức ảnh chụp rất nhiều bạn đọc đủ lứa tuổi ngồi, thậm chí đứng, đọc sách chăm chú tại các hội sách. Rồi có những bạn đọc mua sách mà hóa đơn in ra cả mét. Có những bạn đọc bê về cả thùng sách.

Không ít người tâm huyết với sách tìm mọi cách gặp tôi, nói chuyện và tâm tình hết mình về văn hóa đọc, về cách đọc sách. Hội sách bây giờ tổ chức quanh năm, ở khắp mọi tỉnh thành, thậm chí cả cấp xã phường, trường học, cơ quan doanh nghiệp.

Có nhiều cá nhân thể hiện tình yêu với sách theo những cách đặc biệt. Tôi vẫn mãi ghi nhớ câu chuyện Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, luôn mua mỗi tựa sách hai cuốn, một cuốn mang đi công tác để đọc và tặng ngay nơi đó khi đọc xong, cuốn còn lại để ở nhà để về nhà đọc hoặc lưu vào bộ sưu tập sách.

Rồi mới đây, trong chương trình giao lưu ATM Sự tử tế, tôi được biết tới hai bạn khuyết tật là Đỗ Hà Cừ và Trần Mượt tại quê lúa Thái Bình mở các không gian đọc miễn phí mang lại bao tri thức quý báu cho em nhỏ ở quê. Đó là biểu hiện của tình yêu sách và nó đang được nhân lên mỗi ngày.

Độc giả tại TP.HCM đang đọc sách.

- Những yếu tố nào đã góp phần thúc đẩy văn hóa đọc ở Việt Nam, đặc biệt trong giới trẻ?

- Tôi nghĩ rằng đầu tiên là nhờ cơ chế, chính sách. Chúng ta có Luật Xuất bản, luật vẫn đang được sửa đổi để phù hợp hơn với tình hình mới. Chúng ta có ngày Sách Việt Nam và bây giờ là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Chúng ta có Giải thưởng sách Quốc gia nhiều năm liền vinh danh các tác phẩm, tác giả tạo ra cuốn sách hay. Giá trị của giải thưởng ngày cào cao và sự kiện luôn có mặt của lãnh đạo các bộ, ban, ngành.

Chúng ta lại có Đường sách và Phố sách tạo ra những sân chơi rất thú vị, có tính lan tỏa cao, được xã hội càng ngày càng ủng hộ.

Điểm tiếp theo là sự tiếp cận gần và nhanh với thế giới. Năm nay, vào hội sách Frankfurt tháng 10, Việt Nam chúng ta có đến gần 100 thành viên sang dự. Tại đây, Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm trực tiếp tham gia, khích lệ, động viên và chia sẻ cùng gian trưng bày sách của Việt Nam và làm việc với các quốc gia trên thế giới.

Riêng giới trẻ, họ đã có cơ hội tiếp cận nhiều loại hình sách mới. Đặc biệt là hình thức sách nói, sách bỏ túi, sách rút gọn ngày càng thu hút độc giả.

Phát triển văn hóa đọc cần nỗ lực từ nhiều phía

- Những khó khăn và thách thức lớn nhất mà văn hóa đọc tại Việt Nam đang phải đối mặt là gì?

- Thứ nhất là nền kinh tế thế giới biến động và có nhiều khó khăn. Khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng giảm chi tiêu và điều đó có nghĩa là ngân sách cho mua sách bị cắt giảm. Ưu tiên hàng đầu luôn phải là ăn uống.

- Thứ hai là sách lậu lan tràn. Dù đã có biện pháp răn đe nhưng các đối tượng ngày càng lộng hành và sao chép sách tinh vi hơn. Nếu cứ tiếp tục như thế này sẽ rất khó cho văn hóa đọc Việt Nam phát triển.

- Thứ ba là giới trẻ hiện nay tiếp cận với kiến thức rất khác, nếu chúng ta không tìm ra các phương thức mới, lạ, hấp dẫn đúng mong muốn của bạn đọc trẻ, sẽ khó đưa văn hóa đọc Việt Nam lên tầm cao mới so với thế giới. Phát triển văn hóa đọc phải bắt đầu từ các địa phương, nhà trường và cả gia đình. Như vậy, lan tỏa văn hóa đọc không chỉ là công việc của những người làm sách.

Tủ sách tại một doanh nghiệp ở Việt nam. Ảnh: Ánh Hoàng.

- Có một thực tế rằng ở các địa phương vẫn đang còn tình trạng “đói sách”, vì vậy phát triển văn hóa đọc rất khó. Ông nghĩ có những giải pháp nào để khắc phục vấn đề này?

- Các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa rất thiếu sách. Tôi thấy có những đơn vị đã tặng hàng trăm tủ sách đi khắp các vùng núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa nhưng vẫn như muối bỏ biển. Hơn nữa những vùng đó cần thêm cả các hoạt động khuyến đọc có chiều sâu như các giao lưu, tọa đàm, nói chuyện về sách.

Để giải quyết bài toán này cần có một chính sách, thậm chí chiến lược lớn mang tính quốc gia. Mỗi tỉnh thành cũng rất cần có các chương trình mang sách và tổ chức các hoạt động khuyến đọc tại vùng sâu vùng xa.

- Bên cạnh các chương trình, dự án cộng đồng của chính các đơn vị trong ngành, những tổ chức phi lợi nhuận hay doanh nghiệp có thể tham gia như nào vào nâng cao văn hóa đọc tại Việt Nam là gì?

- Sự tham gia của các đơn vị, tổ chức ngoài ngành là rất quan trọng. Nhiều doanh nghiệp ủng hộ kinh phí cho mua và tặng sách. Nhiều cá nhân cũng làm. Cùng đó, các tổ chức tham gia khuyến đọc ngày càng đông và hiệu quả, ít hình thức mà đi vào thực chất, chiều sâu. Nhờ vậy, văn hóa đọc có thể được lan tỏa tới cả cấp địa phương.

Nguồn: znews.vn

  • Minh Thư (Vietnam+)