Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và văn bản hướng dẫn thi hành

  • 24/06/2022
  • 313


Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và văn bản hướng dẫn thi hành. - Hà Nội: Nxb. Lao động, 2019.

Bạo lực gia đình đã và đang là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc tìm hiểu thông tin về văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) trân trọng giới thiệu cuốn sách Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và văn bản hướng dẫn thi hành do Nhà xuất bản Lao động phát hành năm 2019. 

Trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014...  là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành  đối tượng, nạn nhân của bạo lực gia đình. Đặc biệt, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XII, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007 và có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2008. Những văn bản luật này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.

Với 330 trang, cuốn sách Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và văn bản hướng dẫn thi hành được biên tập và xuất bản trên cơ sở tập hợp toàn văn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, và một số nghị định, thông tư có liên quan. Qua đó giúp chúng ta nhận thức một cách rõ ràng và cụ thể những hành vi mà pháp luật quy định là bạo lực gia đình và cần phải phòng chống.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đưa ra định nghĩa “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” và liệt kê các hành vi được coi là bạo lực gia đình tại Khoản 1 Điều 2, chia thành 3 nhóm hành vi bạo lực: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế.

Bên cạnh đó ta dễ dàng nhận thấy Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không nhắc tới quyền mà chỉ quy định nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình có thể bị xử lý bằng các biện pháp khác nhau, cụ thể: Xử lý kỷ luật, Xử lý hành chính; Xử lý theo pháp luật dân sự; Xử lý theo pháp luật hình sự.

Phòng, chống bạo lực gia đình không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức độc lập mà là công việc chung, cần có sự kết hợp đồng bộ, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và cả hệ thống chính trị, cả xã hội vào cuộc mới mang lại hiệu quả thiết thực nhằm xây dựng xã hội văn minh tiến bộ, gia đình hạnh phúc. Cuốn sách Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và văn bản hướng dẫn thi hành góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh BR-VT. Xin trân trọng giới thiệu!

Thảo My

Phòng Công tác Bạn đọc – Thư viện tỉnh BR-VT