Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Về chốn thư hiên

  • 18/02/2020
  • 419

Về chốn thư hiên  Trần Trọng Cát Tường. - TP. Hồ Chí Minh : Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chi Minh , 2015. -. - 506 tr : Ảnh ; 21 cm.



“Về chốn thư hiên” là một tác phẩm thuộc loại hiếm hoi viết về Thú chơi sách, là những mẩu chuyện tâm đắc xoay quanh một nhã thú. Cuốn sách không chỉ “văn chương hóa” những thuật ngữ khoa học về sách một cách khéo léo, uyển chuyển, thi vị mà hơn thế, nó còn chỉ ra tục lụy riêng chung liên quan đến việc làm sách, đọc sách và gìn giữ sách.

Tác giả Trần Trọng Cát Tường tên thật là Nguyễn Duy Long, sinh năm 1967 tại Quảng Ngãi. Là bác sĩ ở Bệnh viện Đa Khoa Quảng Ngãi nhưng ông được sinh trưởng trong một gia đình có ba là công chức cấp thấp dưới chính quyền Sài Gòn, mẹ làm nghề bán sách từ những năm 1970. Thời trẻ được tiếp xúc với với những giá sách cao tới tận trần nhà, cùng những tấm biển nhỏ nhắn và vuông vức gắn trên từng kệ: Học làm người, Tự lực văn đoàn… Đây là nguồn cảm hứng hay cũng là lý do ngầm để tác giả trở thành nhà sưu tập có hạng ở Quảng Ngãi với khoảng 15.000 quyển sách và viết nên cuốn biên khảo này.

Đánh giá “Về chốn thư hiên” là một cuốn cẩm nang về sách thật không hề quá, bởi tính học thuật và khoa học toát lên rõ rệt đằng sau những ngôn từ đậm chất văn chương. Tác giả phân tích, mổ xẻ từng “phụ kiện” để tạo nên một cuốn sách hoàn mỹ, từ sách xưa đến sách nay, từ sách quý hiếm đến sách thông thường. Trong tác phẩm, tác giả Trần Trọng Cát Tường đã khảo cứu về các loại giấy cổ truyền của Việt Nam. Đặc biệt phần cuối sách, tác giả dành ra vài chục trang để tập hợp những ngữ điển giản lược, giải thích những từ hay gặp trong các tài liệu viết về thú chơi sách, những từ thông dụng nhưng được giới chơi sách dùng với nghĩa đặc biệt, qua đó làm toát lên những vấn đề rất “kỹ thuật” liên quan đến quyển sách.

Không như “Thú chơi sách” của Vương Hồng Sển khơi gợi thú săn tìm sách cổ quý của giới chơi sách, Về chốn thư hiên” của Trần Trọng Cát Tường là một cuốn sách “kỹ thuật” thật sự về sách, và ẩn đằng sau cũng vẫn là đau đáu những nỗi niềm, suy tư về “tục lụy” liên quan đến sách.

Theo tác giả, những tục lụy đó có thể kể: thói háo danh, vụ lợi, vì quyền cao chức trọng, vì danh vọng, địa vị của bản thân mà bất chấp chuyện đạo văn, ăn cắp ý tưởng, trích dẫn mà không ghi nguồn gốc hay dịch tài liệu nước ngoài rồi xào xáo lại thành của mình. Ngoài ra còn có tình trạng các công ty, các nhà xuất bản tái bản sách của những học giả, nhà nghiên cứu đi trước đã tự ý cắt bỏ chữ này đoạn kia, tự ý chỉnh sửa nội dung mà không được sự đồng ý của tác giả, hay chẳng có chú thích cụ thể nào cả. Hành động đó chứng tỏ sự không tôn trọng bản gốc, không tôn trọng bản in lần đầu và không tôn trọng chính tác giả.

Với cách viết độc đáo, tác giả khiến người đọc khó dứt mình ra khỏi cuốn sách, cứ say sưa tận hưởng, vui thú với từng con chữ. Ông cũng dành không ít "đất" cho những nhà sưu tầm sách mà ông quen biết, thuộc đủ mọi lứa tuổi, cho thấy rằng các bộ sưu tập sách lớn tại Việt Nam hiện nay không chỉ thuộc sở hữu của những người nhiều tuổi, mà không ít bộ sưu tập nằm trong tay những người còn rất trẻ.

Nhưng không chỉ có vậy, Về chốn thư hiên còn là một bản ca tụng sách vở một cách trầm lắng nhưng nhiệt thành, một cách thâm nhã nhưng nồng nàn, vạch lại con đường đi của sách vở và giấy tại Việt Nam, cung cấp vô số chi tiết mà chỉ một người đặc biệt tỉ mỉ trong đống sách vở vô biên mới rút tỉa ra được một cách sáng sủa như vậy.

Đây là tác phẩm đầu tay của Trần Trọng Cát Tường tập hợp khoảng 20 bài khảo cứu về sách, cách tìm tư liệu từ sách cùng các quan niệm chơi sách và giá trị của những pho sách quý hiếm được truyền tụng trong giới sưu tập.... Cuốn sách cũng là một thiên ký sự của một người dành phần lớn thời gian cho sách.

Mời các bạn hãy cùng khám phá thú vui tao nhã qua cuốn sách “Về chốn thư hiên”. Thư viện tỉnh BRVT xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc!

Hồng Thương

Chi đoàn Thư viện tỉnh BR-VT