Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công tác Thông tin, Tuyên truyền đối ngoại

  • 29/10/2019
  • 535

Trong năm 2019, Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh BR-VT để triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền và tổ chức phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của bạn đọc và người dân một cách rộng rãi, có hiệu quả trên cơ sở đặc điểm tình hình trong nước và quốc tế tác động đến việc thực hiện các nhiệm vụ tại tỉnh BR-VT, tại đơn vị về công tác đối ngoại. Cụ thể nhờ vào:

          + Tác động thuận

          * Việt Nam có thêm điều kiện và dư địa để củng cố và nâng cao vị thế ở khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh các nước lớn gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng nhưng không đến mức đối đầu, tăng cường hợp tác nhưng chưa đến mức có thỏa hiệp về chiến lược; các nước lớn đều có nhu cầu lôi kéo Việt Nam vào các hình thức tập hợp lực lượng phong phú và đa dạng, từ cấp độ lớn (Ấn Độ - Thái Bình Dương) đến nhỏ (Tiểu vùng Mê Kông). Việt Nam ở vào giao điểm giữa các “đại sáng kiến” BRI và Ấn độ - Thái Bình Dương và RCEP và CPTPP, do đó ở vào tâm điểm của các tập hợp lực lượng về địa chính trị và địa kinh tế. Riêng về đối ngoại, trong 16 đối tác chiến lược, 10 đối tác toàn diện và hai đối tác quan trọng khác là Lào và Campuchia, chưa có đối tác nào có dự báo sẽ có thay đổi lớn đối với Việt Nam. Với vị trí địa chiến lược và sức mạnh tổng hợp, với kinh nghiệm đối ngoại được tích lũy qua hơn 30 năm đổi mới, với vai trò thành viên ASEAN, Việt Nam không những có thể tránh được sự lôi kéo vào cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn mà còn có cơ hội tăng cường quan hệ với cả Trung Quốc, Mỹ và các nước lớn khác.

          * Xu hướng bảo hộ và chống toàn cầu hóa tuy tăng lên nhưng không mạnh như dự báo. Một mặt chúng ta có thể tham gia các FTA đa phương với sức ép ít hơn, từ đó có thêm thời gian để tăng cường và hoàn thiện năng lực tự vệ và cạnh tranh. Mặt khác, chúng ta có thể hóa giải các sức ép bảo hộ, nhất là từ Mỹ, bằng các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là dựa trên giá trị địa chiến lược mới của Việt Nam. 

          * Việt Nam có thể có điều kiện thuận lợi hơn trong cuộc đấu tranh với các nhóm lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo can thiệp vào công việc nội bộ. Xu hướng ưu tiên giải quyết các vấn đề nội bộ của Mỹ và đa số các nước phương Tây và xu hướng ưu tiên các mục tiêu địa chính trị (Nhất là dưới thời Chính quyền Trump) có thể làm giảm mức độ quan tâm và sức ép của các nước này đối với việc phổ biến giá trị.

          + Tác động không thuận

          * Môi trường đối ngoại sẽ phức tạp và nhiều thách thức hơn. Do tính chất khó đoán định của tình hình khu vực và quốc tế ngày càng gia tăng, nhất là do các đối tác chủ chốt của ta điều chỉnh chiến lược và thị trường thế giới thường xuyên biến động, môi trường chính trị, an ninh, kinh tế thế giới sẽ bất ổn định hơn, với các tác động nhanh, mạnh và bất ngờ hơn. Nhiệm vụ bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định do đó sẽ gặp thách thức nhiều hơn. 

          * Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng gặp một số thách thức mới. Bảo vệ chủ quyền của Việt Nam sẽ khó khăn hơn, đồng thời khả năng thực thi quyền chủ quyền để khai thác tài nguyên (Nghề cá và dầu khí) cũng bị hạn chế hơn. An ninh sườn phía Tây của Việt Nam tiếp tục gặp thách thức lớn hơn, tác động tiêu cực đến lợi ích an ninh, phát triển của Việt Nam và BR-VT.

          * Về mặt phát triển kinh tế, Việt Nam có thể sẽ gặp phải một số thách thức như (1) nguy cơ lệ thuộc lớn hơn vào nền kinh tế  (2) sức ép bảo hộ từ các nền kinh tế phát triển tăng lên, nhất là khi Mỹ và châu Âu chiếm tới 40% thị phần xuất khẩu của ta trong khi sức ép cạnh tranh mạnh từ Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ mạnh hơn (cả ở thị trường trong nước và nước ngoài) khi họ cũng buộc phải chuyển hướng thương mại từ Mỹ và EU; (3) xu hướng dịch chuyển sản xuất về các nền kinh tế phát triển có thể làm giảm sức hấp dẫn về đầu tư nước ngoài của Việt Nam nhất là trên các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao, (4) Việt Nam tiếp tục phải đối diện với nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ” của các nước, nhất là Trung Quốc, (5) các thể chế đa phương tham gia “điều tiết” quá trình toàn cầu hóa về thương mại, đầu tư như WTO, APEC ngày càng giảm vai trò, và (6) cọ xát thương mại giữa các nước có thể tác động trực tiếp và gián tiếp đến Việt Nam và BR-VT.

          * Công tác đối ngoại đa phương cũng sẽ gặp thách thức hơn, do (1) vai trò của các thể chế đa phương phổ quát trên mặt các kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội đang có xu hướng giảm đi; trong khi đó các cơ chế mới theo hướng an ninh – chiến lược thì lại có xu hướng phân tuyến và phục vụ cạnh tranh chiến lược nước lớn; (2) Một số nước lớn đang sử dụng các cơ chế đa phương mới để tập hợp lực lượng và định hình luật chơi mới có lợi cho họ, (3) ASEAN tiếp tục bị chia rẽ và khó đạt đồng thuận về một số lĩnh vực liên quan đến lợi ích cơ bản của ta, nhất là vấn đề biển Đông. Công cụ ASEAN ngày càng “giảm giá”, đặc biệt đối với việc bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên biển Đông, Tiểu vùng Mê Kông và đối với chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương để qua đó nâng cao vị thế/ uy tín khu vực và quốc tế của Việt Nam.

          - Đánh giá chung kết quả thực hiện các hoạt động đối ngoại của địa phương, đơn vị

          Một là, thách thức từ yêu cầu xử lý hiệu quả, hài hòa quan hệ với các nước lớn. Cạnh tranh và cọ xát chiến lược nước lớn sẽ gay gắt, liên tục về mức độ và toàn diện về lĩnh vực. Hiện nay, mặc dù quan hệ nước lớn chưa đến mức Chiến tranh Lạnh mới, chưa chia phe nhưng đã xuất hiện những dạng tập hợp lực lượng mới đa dạng và linh hoạt. Điều này khiến cho bài toán xử lý quan hệ của Việt Nam với các nước lớn sẽ khó khăn hơn.

          Hai là, thách thức từ yêu cầu xử lý mối quan hệ giữa hội nhập quốc tế sâu rộng với bảo đảm an ninh quốc gia, độc lập tự chủ, bảo vệ chế độ, và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.

          Ba là, thách thức từ yêu cầu xử lý tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và nguồn lực cho phát triển.

          Bốn là, thách thức từ yêu cầu xử lý hài hòa giữa chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương với sự “quay lưng lại” với chủ nghĩa đa phương và xu hướng “phản toàn cầu hóa.”

          Năm là thách thức trong việc xử lý hiệu quả “độ vênh” giữa việc Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Theo đó Việt Nam tham gia sâu hơn, đóng vai trò lớn hơn trong các thể chế đa phương khu vực và quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế sâu rộng hơn nhưng hệ thống thể chế, luật pháp và trình độ/năng lực của đội ngũ cán bộ, bộ máy nhà nước và doanh nghiệp chưa ngang tầm nhiệm vụ. Nếu không xử lý tốt mâu thuẫn này, nguy cơ tụt hậu xa hơn do chậm chân hoặc thua thiệt trong cuộc chạy đua về kinh tế và không tận dụng được cơ hội do toàn cầu hóa  và cách mạng công nghệ mang lại.

           - Kết quả hoạt động

          + Về công tác thông tin, tuyên truyền

          Thông qua các hoạt động thường xuyên và các kế hoạch chuyên đề, Thư viện tỉnh BR-VT đã tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền công tác đối ngoại theo chức năng, nhiệm vụ (tuyên truyền trực quan, tuyên truyền thông qua website...).

          Các hoạt động thông tin, tuyên truyền công tác đối ngoại được lồng ghép trong công tác nghiệp vụ, tổ chức phục vụ bạn đọc, luân chuyển, phục vụ lưu động, biên tập và phát hành các sản phẩm thông tin theo định kỳ.

         + Về mặt chỉ đạo, điều hành

          Trên cơ sở phân công trách nhiệm của Giám đốc, các Phó Giám đốc và từng  phòng chuyên môn trong đơn vị, hoạt động thông tin đối ngoại đã được chỉ đạo, điều hành và triển khai theo chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng thông tin – thư viện.

         + Về việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu của công tác thông tin đối ngoại

        + Tổ chức bổ sung tài liệu, sách báo, sưu tập thông tin, tổ chức tuyên truyền, phục vụ người dùng thông tin – thư viện về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, cũng như hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và quê hương BR-VT.

        + Thông qua sách báo và sản phẩm thông tin, thư viện đã chuyển tải đến người dùng thông tin – thư viện những thông tin, hiểu biết về tình hình quốc tế, lập trường, quan điểm của Việt Nam đối với các vấn đề khu vực và quốc tế.

        + Thông qua tư liệu, sách báo, sản phẩm thông tin, thư viện đã định hướng cho người dùng thông tin – thư viện tiếp cận thông tin, sách báo một cách kịp thời, nhanh chóng và chính xác, qua đó ngăn ngừa những thông tin sai sự thật, những quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực phản động.

       + Các bộ phận chuyên môn kịp thời tham mưu, lập kế hoạch triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại lồng ghép vào các hoạt động thường xuyên của đơn vị như tổ chức phục vụ người dùng thông tin – thư viện, luân chuyển và phục vụ lưu động sách báo cho cơ sở, trưng bày, giới thiệu sách báo, tài liệu, sản phẩm thông tin thường xuyên cho người đọc.

        + Thư viện cũng quan tâm xây dựng vốn tài liệu cho phòng đọc ngoại văn, thường xuyên bổ sung các loại báo – tạp chí bằng tiếng Anh, tiếng Pháp… Thư viện tỉnh BR-VT là một trong những thư viện tỉnh trong toàn quốc nhận được nguồn sách tài trợ này từ Quỹ châu Á thông qua Thư viện Quốc gia Việt Nam kể từ năm 2000. Qua 19 năm thực hiện chương trình, đến nay Thư viện tỉnh BR-VT đã xây dựng được kho sách ngoại văn (chủ yếu là tiếng Anh) với 10.000 bản, xây dựng các tủ sách ngoại văn vệ tinh tại nhiều trường trung học phổ thông và thư viện cấp huyện, phục vụ nhu cầu đọc, nâng cao trình độ tiếng Anh của nhiều đối tượng bạn đọc, đặc biệt là Câu lạc bộ Tiếng Anh Bà Rịa sinh hoạt định kỳ vào tối thứ hai hàng tuần tại thư viện; thường xuyên tổ chức phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh BR-VT và từng bước xây dựng nguồn sách ngoại văn tại Thư viện TP. Vũng Tàu, Thư viện TP. Bà Rịa, Thư viện huyện Châu Đức và Thư viện TX. Phú Mỹ; từng bước xây dựng những Tủ sách vệ tinh và phối hợp với các đơn vị chuyên ngành Giáo dục, Ngoại ngữ phát triểnvăn hóa đọc trên địa bàn.

          Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại, trong thời gian tới, Thư viện tỉnh BR-VT cần:

          - Nâng cao chất lượng thông tin trên nhiều phương tiện, nhất là thông tin văn bản chuyên ngữ;

          - Phát triển mạnh mẽ các loại hình thông tin đa phương tiện;

          - Hợp lý hóa quy trình tạo ra sản phẩm thông tin – thư viện và chuyển phát tin bài, cải tiến quản lý và điều hành;

          - Chủ động và áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại trong phổ biến sản phẩm thông tin – thư viện;

          - Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và chuyên sâu.

          Trong năm 2020, dự kiến kế hoạch công tác đối ngoại của Thư viện tỉnh BR-VT là tiếp tục tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền về thông tin đối ngoại như sau:

          - Tiếp tục tạo ra các sản phẩm thông tin, bổ sung nguồn tài liệu đa dạng, phong phú, tổ chức phục vụ tốt nhu cầu người dùng thông tin – thư viện. Tiếp nhận nguồn sách ngoại văn từ Quỹ châu Á thông qua Thư viện Quốc gia Việt Nam; tổ chức tuyên truyền và phục vụ thông tin đối ngoại cho bạn đọc thư viện.

          - Giao các phòng chuyên môn của đơn vị, theo chức năng nhiệm vụ được phân công, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động trong năm 2020, tham mưu tổ chức thực hiện.

Huỳnh Tới

Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

 

[1] Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017 đạt 35,88 tỉ USD, tăng 44,4% (cao nhất trong 10 năm qua), trong đó vốn giải ngân đạt 17,5 tỉ USD, tăng 10,8% so với năm 2016. Các đối tác đã cam kết viện trợ hơn 3 tỉ USD ODA cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục 15 triệu lượt người năm 2018. 

[2] Bài phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2019 ngày 28/12/2018.

[3] Văn kiện Đại hội XII, trang 152 – 153.

[4] Nổi bật là (i) kết nối kỹ thuật số phạm vi toàn cầu (digital globalization). Ước tính hiện nay, khoảng ½ dân số thế giới được kết nối internet, lượng thông tin, dữ liệu lưu chuyển xuyên biên giới đang “bùng nổ” trên phạm vi toàn cầu tạo thành thế giới “ảo”, không gian mạng không biên giới. Đến năm 2020, hơn 21 tỷ thiết bị điện tử sẽ được kết nối và mức độ trao đổi dữ liệu trên toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần, trở thành “con đường thương mại” toàn cầu mới. Hệ thống thương mại truyền thống dựa trên nền tảng vật chất/vật lý (physical) đang chuyển nhanh sang nền tảng kỹ thuật số với các kỹ thuật hoàn toàn mới như fintech, blockchain và tiền ảo (cryptocurrency).

[5] Các nước phát triển có lợi thế hơn trong việc áp dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để giúp tăng năng suất lao động thêm 30% và giảm chi phí lao động trong trung hạn khoảng 30%.

[6] Các nước lớn, đặc biệt Trung Quốc, tăng chi tiêu quân sự mạnh. Năm 2017, Mỹ (602 tỷ đô la) và Trung Quốc (150 tỷ đô la) là hai nước có chi phí quốc phòng lớn nhất, chiếm gần 50% chi phí quân sự toàn thế giới. Trong đó, Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự nhiều nhất gần 7 tỷ đô la, chiếm 25% mức tăng chi phí quân sự toàn thế giới. Năm 2017, châu Á trở thành khu vực có mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất, (chiếm 40% chi tiêu của thế giới).

[7] Trong 25 năm từ 2016 đến 2040, ước tính nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu là khoảng 97.000 tỷ USD, trong đó riêng châu Á là 52.000 tỷ USD.