Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Thư viện thành phố Vũng Tàu với hành trình phát triển văn hóa đọc

  • 15/09/2020
  • 666

Theo Nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình - “Văn hóa đọc là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức”. Hay định nghĩa một cách khác hơn “Văn hóa đọc là một bộ phận của văn hóa, có vai trò quan trọng trong việc hình thành tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống và khả năng thích nghi của con người; góp phần bồi dưỡng, phát triển trí tuệ, kỹ năng sống của cộng đồng”.

 Tra cứu từ khoá “Văn hóa đọc” trên trang tìm kiếm google có đến 191.000.000 kết quả chỉ trong vòng 0,44 giây. Điều đó cho thấy Văn hóa đọc hiện nay đang là vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm của toàn xã hội. Các hoạt động về sách và văn hóa đọc diễn ra tại nhiều châu lục trên thế giới như ở Châu Phi, Bắc Mỹ, Châu Âu... Ở Châu Á xuất hiện nhiều chương trình như “Một cuốn sách một đóa hồng”; “Ngày hội đọc sách cùng con trẻ”.... Tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng nói riêng hoạt động văn hóa đọc cũng đã được đề cập đến trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi giao lưu giới thiệu sách của các cấp, các ngành và lĩnh vực khác nhau,…


Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương sớm xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển ngành thư viện công cộng trong toàn quốc (2009). Tiếp nối những thành quả đó, ngày 27/7/2020, UBND tỉnh BR-VT đã phê duyệt “Đề án phát triển văn hoá đọc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án là cơ sở pháp lý, khoa học giúp cho lãnh đạo các địa phương trong tỉnh có một cái nhìn tổng thể về các hoạt động văn hóa nói chung và thư viện nói riêng để từ đó bố trí nguồn lực đầu tư đúng đối tượng, có trọng điểm, tạo ra sự phát triển cân đối hài hòa, tạo mối liên kết trong phát triển văn hóa đọc tại địa phương. Song song đó, Đề án cũng đã tạo động lực phát triển và đánh dấu sự chuyển mình vươn lên của hoạt động thư viện tỉnh nhà trong xu thế hội nhập và phát triển.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh BR-VT, hoạt động phục vụ bạn đọc trong và ngoài thư viện với phương châm “Sách đi tìm người đọc” đã và đang diễn ra rất hiệu quả. Các thư viện từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động cũng như sân chơi nhằm hình thành thói quen, kỹ năng và phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Nhằm tuyên truyền, quảng bá và góp phần định hướng đúng đắn về văn hóa đọc trong học sinh - sinh viên, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cùng ngành giáo dục, ngày 14/9/2020 Thư viện thành phố Vũng Tàu đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa Học tập Cộng đồng Phường 9 tổ chức “Ngày Hội Đọc Sách” tại trường tiểu học Quang Trung. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày hội Văn hóa đọc đang được tổ chức khắp nơi trên địa bàn thành phố vũng Tàu.


Chương trình “Ngày Hội Đọc Sách” được phát động trong tiết sinh hoạt dưới cờ của nhà trường trường và có sự tham gia của đại diện UBND Phường 9, Ban Giám hiệu, giáo viên và đông đảo các em học sinh của nhà trường. Với trên 2.000 bản sách, Thư viện thành phố Vũng Tàu và Thư viện trường đã tổ chức trưng bày, phục vụ bạn đọc với nhiều mô hình đẹp mắt, phong phú về các thể loại, sinh động, hấp dẫn về nội dung như: truyện tranh, lịch sử, sách về biển đảo, kỹ năng sống, sách khoa học thường thức, báo - tạp chí về thiếu niên, tuổi học trò... Cùng với đó là sự đa dạng ở sắp xếp đội hình đã mang đến niềm hứng khởi cho những người tham gia Ngày hội.


“Ngày Hội Đọc Sách” là hoạt động văn hóa ý nghĩa, nhằm khẳng định, tôn vinh khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, hình thành sở thích, thói quen đọc sách, yêu quý, nâng niu sách góp phần rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống của lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng và đây cũng là con đường lớn nhất để các em có thể tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Bên cạnh đó, hoạt động đọc sách cũng là một trong những cách thức giúp cho các em thư giãn trong suốt thời gian học tập.

Bài: Kim Yến; ảnh: Hồng Sương

Thư viện tỉnh BR-VT