Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

TÁC GIẢ NGUYỄN TRỌNG TẠO (1947 – 2019)

  • 02/08/2019
  • 1153

Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947 trong một gia đình Nho học ở làng Trường khê (nay là Diễn Hoa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách Việt Nam; nguyên Trưởng ban Biên tập báo Thơ thuộc Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam, 2003-2004) và là tác giả của những tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc); những bài hát "Làng Quan Họ quê tôi", "Khúc hát sông quê", "Đôi mắt đò ngang", tác giả Biểu tượng Ngày thơ Việt Nam, Cờ thơ.

Năm 1969, ông tham gia quân đội, thuộc Đoàn 22, Quân khu 4, rồi làm Đội trưởng Đội Tuyên truyền Văn hóa Đoàn 22B, Trưởng đoàn Văn công Xung kích Sư đoàn 341B.

Năm 1976, ông được Tổng cục Chính trị điều về Hà Nội tham gia Trại Viết văn quân đội rồi vào học Trường Viết văn Nguyễn Du Khóa I. Năm 1982,  làm Trưởng ban Biên tập Nhà Văn hóa Quân khu IV. Năm 1988, chuyển về làm công tác biên tập xuất bản tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Trị Thiên. Năm 1990, cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà văn Nguyễn Quang Lập sáng lập Tạp chí Cửa Việt, làm biên tập và phụ trách mỹ thuật tạp chí này 17 số đầu tiên. Năm 1997, ông chuyển làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Âm nhạc thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nguyễn Trọng Tạo còn là họa sĩ minh họa và trình bày mỹ thuật Tạp chí Cửa Việt, Tạp chí Âm nhạc, Báo Thơ, tác giả măng-sét Tạp chí Sông Hương, Sông Lam, Hồng Lĩnh, Báo Thơ…

Từ năm 2000 đến 2005, ông là Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, kiêm Trưởng ban Biên tập Báo Thơ thuộc báo Văn Nghệ (2003-2004).

Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Ngày 7 tháng 1 năm 2019, vào lúc 19h50', Nguyễn Trọng Tạo qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai, ở tuổi 72 vì căn bệnh tai biến mạch máu não và ung thư phổi.

Sự nghiệp văn học nghệ thuật

Nguyễn Trọng Tạo sáng tác bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, sáng tác bài hát đầu tiên năm 20 tuổi, xuất bản tập thơ đầu tiên (Tình yêu sáng sớm, in chung cùng Nguyễn Quốc Anh) năm 1974. Cho đến năm 2008, ông đã xuất bản gần 20 đầu sách gồm thơ, văn, nhạc, phê bình tiểu luận và đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật như:

- Giải thưởng Thơ Nghệ An 1969;

- Giải thưởng Thơ hay Báo Văn nghệ (do độc giả bình chọn) năm 1978;

- Giải thưởng Thơ hay báo Nhân dân 1978;

- Giải thưởng Thơ hay Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1978;

- Giải thưởng đặc biệt của UBND tỉnh Hà Bắc năm 1981 cho Ca khúc Làng Quan Họ quê tôi;

- Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1989-1994) cho Tập truyện Miền quê thơ ấu;

- Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1995-2000) cho Tập thơ Đồng dao cho người lớn;

- Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương (1997-2002) cho Ca khúc Đôi mắt đò ngang;

- Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1997 của Ủy ban Toàn quốc Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho Ca khúc Đôi mắt đò ngang;

- 5 Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho các ca khúc: Mặt trời trong thành phố (1983); Đường về Thạch Nham (1984); Con dế buồn (1997); Đồng Lộc Thông ru (1998); Khúc hát sông quê ( 2005);

- 2 Giải thưởng của Bộ Văn hóa và Thông tin cho bìa sách đẹp: Những con chim kêu đêm, Khát;

- Giải thưởng của Hội Nông dân Việt Nam 2001 cho Ca khúc Cánh đồng ở giữa hai làng;

- Giải thưởng (Cup) Những ca khúc hay về Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam (1945-2010) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho 2 ca khúc "Làng Quan họ quê tôi" và "Khúc hát sông quê";

- Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012 với Tập thơ Đồng dao cho người lớn và Trường ca Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc).

Tác phẩm

Thơ 

  • Tình yêu sáng sớm (in chung với Nguyễn Quốc Anh), 1974;
  • Gương mặt tôi yêu (in chung với Trần NhươngKhuất Quang Thụy), 1980;
  • Sóng nhà đêm biếc tôi yêu (in chung với Nguyễn Hoa, Nguyễn Thụy Kha), 1984;
  • Sóng thủy tinh, 1988;
  • Gửi người không quen, 1989;
  • Đồng dao cho người lớn, 1994, 1999;
  • Thư trên máy chữ và Tản mạn thời tôi sống, 1995;
  • Nương thân, 1999;
  • Thơ trữ tình, 2001;
  • 36 bài thơ, 2006;
  • Thế giới không còn trăng, 2006;
  • Em đàn bà, 2008;
  • Ký ức mắt đen, (song ngữ Việt - Anh), 2010;
  • Thơ và Trường ca, 2011;
  • Nến trắng (tam ngữ Việt - Anh - Ba Lan), 2014.

Trường ca

  • Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc), 1981, 2008;
  • Tình ca người lính, 1984.

Văn xuôi

  • Miền quê thơ ấu, 1988, tái bản với tên Mảnh hồn làng 1997, 2002, 2005;
  • Ca sĩ mùa hè. 1991, 1998, 2003...;
  • Khoảnh khắc thời bình, 1987;
  • Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ, 2001.

Tiểu luận, phê bình

  • Văn chương cảm và luận, 1999.

Nhạc

  • Ca khúc Nguyễn Trọng Tạo, 1996;
  • Tình khúc bốn mùa, 1996;
  • Khúc hát sông quê, 2002.

Nhận định

Anh làm mới thơ, đôi khi bằng nhịp điệu khác thường trong thơ lục bát, bằng một từ đột xuất, một đảo ngữ chênh vênh, hay một hư từ đặt không đúng chỗ, hoặc bằng một hình ảnh không giống ai: "ta như sao lạc giữa ban ngày". Những câu thơ hay như thế bất chợt đến, bất chợt gặp trong thơ anh rất nhiều. Thơ anh thản nhiên, nhẹ nhàng và dễ dàng như những hình tượng đã có sẵn trên cây, anh chỉ việc rung cây là chúng rụng xuống Thơ anh.
Nguyễn Trọng Tạo là một Người Thơ nghịch ngợm, thơ thẩn đi giữa dòng đời rồi bỗng dưng bị lạc. Anh chàng ấy thỉnh thoảng tung ra một vì sao để soi rạng Cõi Đi. Chúng ta may mắn nhặt được những Vì sao Lạc ấy, và thấy sáng lại lòng mình...

— Thụy Khuê

Thơ của Nguyễn Trọng Tạo là thơ của những cái chớp mắt... Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không hề dễ dãi, và, lấp lánh vô tận như những cái chớp mắt...

— Hoàng Ngọc Hiến

Nếu người đọc muốn tìm thấy ở thơ Nguyễn Trọng Tạo câu trả lời chức năng của thơ là gì thì khó mà có một lời giải đáp cụ thể. Ta thấy thơ anh không nhằm phục vụ một nhiệm vụ hoặc cổ vũ một trào lưu gì. Anh như một người lẻ loi đứng trên các nẻo đường, mặc cho các lớp người cứ trùng điệp ồn ào qua lại. Thật khó có thể xếp Nguyễn Trọng Tạo vào một lớp nhà thơ nào. Ngòi bút anh thoải mái với những điều không phải dễ nói ra...

— Vũ Cao

Tác giả Nguyễn Trọng Tạo (trái), Nhà thơ Lê Huy Mậu (phải) đồng tác giả "Khúc hát sông quê"  chụp hình lưu niệm tại Tp biển Vũng Tàu

Tại Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều tác phẩm của tác giả Nguyễn Trọng Tạo được lưu giữ và tổ chức phục vụ bạn đọc. Tác giả Nguyễn Trọng Tạo, nhiều lần trong đời đã đến làm việc và nghỉ mát tại thành phố Vũng Tàu…

HUỲNH TỚI

(Tổng hợp