Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Phòng, chống tai nạn lao động một cách thiết thực

  • 15/05/2020
  • 336


Kiểm tra bảo hộ an toàn lao động trước khi vào công trường

“Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động”. Đó là chủ đề của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2020, diễn ra trong tháng 5 trên phạm vi toàn quốc.

1. Mục đích của Tháng hành động nhằm thúc đẩy các chương trình, hoạt động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), cải thiện điều kiện lao động (LĐ) trong các cơ sở, doanh nghiệp (DN) và nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng LĐ và người lao động (NLĐ) trong việc thực hiện Luật ATVSLĐ.

Theo Kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tháng hành động về ATVSLĐ T.Ư, trong Tháng hành động sẽ có nhiều hoạt động như: Tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện về kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ như: xây dựng, phát sóng các thông điệp, phóng sự, cảnh báo phòng ngừa TNLĐ. Đồng thời tăng cường các lớp tập huấn, các buổi tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ, cho DN, trong khu vực làng nghề, phi kết cấu; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, rà soát các nguy cơ mất ATVSLĐ tại các công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, các trung tâm thương mại, trường học, khu dân cư về an toàn điện, hàn cắt, phòng ngừa tai nạn ngã cao, vật rơi…

Cùng với đó, là công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về ATVSLĐ, trong đó tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn LĐ, BNN như sử dụng nồi hơi, thiết bị nâng, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, xây dựng, điện...; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công tác huấn luyện về ATVSLĐ.

2. Theo các chuyên gia, để thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc, các cấp, ngành cần tích cực sử dụng hiệu quả nguồn tối đa 10% từ nguồn thu Bảo hiểm tai nạn LĐ, BNN hằng năm (500 tỷ đồng/năm) để hỗ trợ cho các DN, NLĐ trong cả nước phòng ngừa TNLĐ, BNN; mở rộng nội dung hỗ trợ, nâng mức bồi thường trợ cấp; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN sang khu vực không có quan hệ LĐ (Dự kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng dự thảo trình Chính phủ trong năm 2020).

Bộ cũng đã xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh LĐ về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc. Theo đó, sẽ bỏ bớt thủ tục hành chính; quy định rõ hơn, thuận lợi hơn mức hỗ trợ (cao hơn); quy trình xác định đối tượng được hưởng nhanh hơn, chính xác hơn, quy trình thực hiện thuận lợi hơn, nhằm hỗ trợ DN thực hiện tốt hoạt động phòng ngừa, giảm TNLĐ, BNN.

Cụ thể: Về lĩnh vực khám, chữa BNN, Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ hỗ trợ khám, chữa BNN vừa giúp DN giảm chi phí nhưng vẫn bảo đảm được quyền lợi, chế độ cho NLĐ. Hay quy định hỗ trợ DN phục hồi chức năng cho NLĐ là rất nhân văn, vừa giúp DN giảm chi phí phục hồi, giúp NLĐ phục hồi chức năng có thể tiếp tục làm công việc phù hợp, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Đặc biệt giúp NLĐ trong DN yên tâm công tác, gắn bó.

Đặc biệt, Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ. Đây là hoạt động rất quan trọng trong phòng ngừa TNLĐ, BNN. Bởi vì khi NLĐ được huấn luyện ATVSLĐ theo đúng các quy định của Luật ATVSLĐ, Nghị định 44/2016/NĐ-CP và huấn luyện các giải pháp làm việc an toàn tại DN, cơ sở sản xuất, họ sẽ hiểu các rủi ro, biết cách phòng tránh nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ, BNN với họ. Biết bảo vệ mình và đồng nghiệp chung quanh, đem lại hạnh phúc cho gia đình của họ khi không xảy ra TNLĐ, BNN.

Với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ, hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí, góp phần bảo đảm an toàn, trật tự, phát triển xã hội.

VĂN HẢI

https://www.nhandan.com.vn/