Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

  • 31/05/2020
  • 286
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Theo số liệu năm 2019 của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và Liên minh Viễn thông Quốc tế, trên thế giới hiện có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi và cứ 3 người truy cập internet thì có 1 trẻ em. Hiện, Việt Nam có hơn 24 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Vì vậy, việc xây dựng đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vô cùng cấp thiết trong bối cảnh hiện nay..

Xây dựng đề án nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Tại Châu Á Thái Bình Dương, tỷ lệ trẻ em truy cập mạng cao nhất thế giới. Theo thống kê năm 2019 thì tỷ lệ này 57% và 2023 sẽ tăng lên 75%. Tỷ lệ này cũng tương ứng ở Việt Nam. Hiện, Việt Nam có hơn 24 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Khi công nghệ và internet len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống, trẻ em là đối tượng đón nhận nhanh nhất những thông tin trên mạng và chịu tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ và những vấn đề tiêu cực trên mạng internet.

Trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế như gia đình, họ hàng người thân cho đến nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em... Tuy nhiên trên môi trường mạng, còn thiếu rất nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em như cách chúng ta làm trong cuộc sống thực; trong khi đó, bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng, dụ dỗ qua mạng, lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng.


 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến, góp ý xây dựng Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng" giai đoạn 2020 - 2025.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển con người. Ở mức luật, quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được đề cập tại: Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2018, Luật An ninh mạng 2018... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ở cấp Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai luật.

Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các Bộ gồm: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công an xây dựng Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng" giai đoạn 2020-2025.

Đề án được xây dựng nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng. Hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ chung tay tham gia phát triển các ứng dụng, sản xuất các nội dung bổ ích giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, ý thức được đây là vấn đề quan trọng có tính liên ngành cao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Đề án với thành phần tham gia là các Bộ, ngành, cơ quan liên quan của hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, cơ quan thường trực xây dựng Đề án (Cục An toàn thông tin), đã chủ động làm việc và nhận được sự phối hợp tích cực từ các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có thể kể đến Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, ChildFund, WorldVision, MSD, Microsoft Việt Nam... là những tổ chức đã tham gia nhiệt tình trong quá trình xây dựng Đề án.

Hình thành một mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến, góp ý xây dựng Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng" giai đoạn 2020 - 2025 để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức chính trị và tổ chức quốc tế hoạt động vì trẻ em trên lãnh thổ Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2020 tới đây.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi tập trung một số vấn đề mấu chốt, đó là: Cách thức nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định của pháp luật và cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; cơ chế khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp công nghệ Việt tham tham gia xây dựng Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, đặc biệt là thông qua cách thức truyền thông mạng xã hội, để Đề án có thể là một "điểm sáng" về công tác tuyên truyền của các cơ quan nhà nước trong nâng cao nhận thức cộng đồng về một vấn đề hết sức quan trọng.

Hội thảo có sự tham gia không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị ở Trung ương mà còn có sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế; đặc biệt, trong khuôn khổ Hội thảo có nội dung chia sẻ từ chính các đối tượng là trẻ em về môi trường mạng. Đây là việc làm rất thiết thực, cụ thể hóa chủ trương lấy ý kiến của trẻ em đối với các cơ chế, chính sách tác động đến trẻ em.

Việc tổ chức Hội thảo cũng mang ý nghĩa khi vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã nghe báo cáo chuyên đề về việc thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Và chuẩn bị đến ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6, ngày của trẻ em - những chủ nhân tương lai của thế giới.

Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng mong muốn các Bộ, ban, ngành, tổ chức Trung ương tăng cường phối hợp chặt chẽ, hướng tới hình thành một mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - là mạng lưới liên ngành với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực, nhận thức của xã hội về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức chính trị và tổ chức quốc tế hoạt động vì trẻ em trên lãnh thổ Việt Nam để hoàn thiện các giải pháp, nhiệm vụ chính của Đề án, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2020 tới đây.

Phương Bùi

http://laodongthudo.vn

Báo Lao động thủ đô