Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Luật Thư viện - Những điểm mới và sự kỳ vọng từ những người làm công tác thư viện

  • 09/03/2020
  • 873
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng Luật Thư viện số 46/2019/QH14, cũng đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ngày 21 tháng 11 năm 2019 và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Luật Thư viện số 09/2019/L-CTN, ngày 03 tháng 12 năm 2019. Luật Thư viện ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam phát triển, khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hoá, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Luật Thư viện còn thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện; khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện; kiện toàn, củng cố, chuẩn hóa thư viện công lập, khuyến khích phát triển thư viện ngoài công lập; hiện đại hóa hoạt động thư viện, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số và đẩy mạnh liên thông thư viện.


Luật Thư viện được thông qua tại Quốc hội

Luật Thư viện có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020, gồm 6 chương và 52 điều, đã bổ sung và hoàn thiện những hạn chế, bất cập đối với hoạt động thư viện trong suốt 19 năm qua kể từ khi Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 có hiệu lực. Những điểm mới của Luật Thư viện năm 2019 được thể hiện trên các khía cạnh như sau: 

- Thứ nhất: Bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập

Trước đây, Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 quy định thư viện bao gồm 02 loại hình đó là: Thư viện công cộng và Thư viện chuyên ngành, đa ngành. Thì đến nay, các loại hình thư viện đã được mở rộng và quy định cụ thể hơn tại Điều 4 của Luật Thư viện đó là Thư viện công lập và Thư viện ngoài công lập, với 8 loại hình thư viện như sau:

+ Thư viện Quốc gia Việt Nam;

+ Thư viện công cộng;

+ Thư viện chuyên ngành;

+ Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân;

+ Thư viện cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi là thư viện đại học);

+ Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác;

+ Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng;

+ Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.

- Thứ hai: Lấy ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Luật Thư viện đã dành ra 01 điều (Điều 30) quy định cụ thể về Phát triển Văn hóa đọc và lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

- Thứ ba: Mở rộng đối tượng được thành lập thư viện

Trước đây, Pháp lệnh Thư viện quy định chỉ có tổ chức của Việt Nam có quyền thành lập thư viện. Các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam có quyền tham gia vào các hoạt động do thư viện tổ chức.

Thì đến nay, Luật Thư viện năm 2019 đã mở rộng, xã hội hóa hoạt động thành lập thư viện. Theo đó, không chỉ dừng lại ở các tổ chức của Việt Nam mà mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi đáp ứng đủ các điều kiện do nhà nước quy định tại Điều 18 và Điều 21 của Luật Thư viện.

- Thứ tư: Xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số

Luật Thư viện lần này đã xác định vị trí, vai trò quan trọng của nguồn lực thông tin đối với hoạt động thư viện; quan tâm hơn đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động thư viện, nhất là đối với việc sử dụng, tạo lập các nguồn tài nguyên số để phục vụ bạn đọc thông qua môi trường mạng và xác định việc xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số là chức năng, nhiệm vụ của tất cả các loại hình thư viện trong giai đoạn hiện nay. Việc phát triển tài nguyên thông tin số được dựa trên cơ sở thu thập tài liệu số hoặc số hóa tài liệu của thư viện. Người sử dụng được cung cấp quyền truy cập trực tiếp tới tài nguyên thông tin số và các dạng khác.

- Thứ năm: Đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện

Liên thông thư viện là một trong những điểm mới của Luật, theo đó, đây là hoạt động liên kết, hợp tác giữa các thư viện nhằm sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên, tiện ích, kết quả xử lý và các sản phẩm, dịch vụ thư viện.  

  - Thứ sáu: Xuất phát từ việc đánh giá hoạt động thư viện

Đây là quy định mới hoàn toàn so với Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10, việc đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện đối với tất cả các loại thư viện nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thư viện và nâng cao hoạt động thư viện.

Sau khi Luật Thư viện được ban hành, ngoài những điểm mới, bước đột phá đã được đưa vào và trở thành một chế định pháp Luật thì vấn đề mà hàng trăm ngàn cán bộ viên chức làm công tác thư viện cũng như hàng triệu độc giả trong cả nước vẫn còn miệt mài quan tâm và mong muốn đó là các chế định được quy định trong Luật làm sao được triển khai một cách đồng bộ và thật sự đi vào cuộc sống bằng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với các hoạt động thư viện trong cả nước. Một trong những điều mà những người làm công tác thư viện đang kỳ vọng vào các cấp quản lý nhà nước về thư viện được thể hiện qua các vấn đề như sau:

- Thứ nhất: Nghị định, Thông tư của Chính phủ và Bộ VHTTDL quy định và hướng dẫn chi tiết Luật Thư viện cần phải thể hiện rõ được các vấn đề mà ngành thư viện công cộng trong cả nước hiện nay đang gặp khó khăn và cần tháo gỡ:

+ Phải có một quy định thống nhất về các thiết chế thư viện công cộng trong toàn quốc và phải có chính sách để phát triển các thiết chế thư viện đó. Vì hiện nay, một số Thư viện cấp tỉnh đã sáp nhập chung với thiết chế Bảo Tàng tỉnh và trở thành một đơn vị mới có tên là Bảo Tàng – Thư viện (Kon Tum), và phần lớn thiết chế thư viện cấp huyện trong cả nước cũng đều sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa Thể thao và Đài truyền thanh cấp huyện thành Trung tâm Văn hóa Thông tin cấp huyện, còn thiết chế thư viện cấp xã thì mỗi địa phương lại có một kiểu khác nhau, Thư viện xã hay Phòng đọc sách cấp xã chưa được tổ chức theo một thiết chế độc lập mà được bố trí chung trong Trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng, hoặc một phòng hay góc đọc sách nào đó thuộc xã quản lý và không được bố trí nhân sự chuyên trách để quản lý và tổ chức các hoạt động thư viện tại địa phương.

+ Hiện nay, tại Điều 11 (Mục I, chương II) của Luật Thư viện và từ Điều 11 đến Điều 14 (Mục IV, chương II) của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện cũng có đề cập đến việc thành lập và các điều kiện thành lập thư viện công cộng 03 cấp: tỉnh, huyện và xã trong cả nước. Tuy nhiên, vẫn chưa quy định một cách cụ thể về việc thành lập các thiết chế này là bắt buộc và phải trở thành một thiết chế văn hóa độc lập để tạo hành lang pháp lý cho việc cũng cố và phát triển mạng lưới thư viện cơ sở trong toàn quốc trong xu thế ngày càng bị thu hẹp và thậm chí còn không giữ được 2 chữ “thư viện” như hiện nay.

+ Nếu so sánh mức độ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thư viện năm 2019 và Pháp lệnh Thư viện năm 2000 về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về thư viện thì chúng ta có thể thấy rằng Nghị định 72/2002/NĐ-CP có phần quy định chi tiết hơn về các thiết chế thư viện công cộng trong cả nước “..quy định trách nhiệm của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phải chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin để xây dựng chế độ, chính sách đối với người làm công tác thư viện phù hợp với đặc thù nghề thư viện; và phải xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng thư viện, định mức biên chế cán bộ, công chức trình Thủ tướng Chính phủ quyết định…”. Đây là vấn đề được xem là mấu chốt quan trọng đối với sự hình thành, củng cố và phát triển của mạng lưới thư viện công cộng trong giai đoạn hiện, là điều mà hầu hết những người làm công tác quản lý về thư viện và những người tiếp làm công tác thư viện đang thật sự quan tâm và mong muốn nhằm giúp cho hoạt động thư viện ngày càng phát triển tốt hơn.

- Thứ hai: Phải quy định chi tiết về xếp hạng thư viện trong cả nước

+ Xếp hạng thư viện là một vấn đề đã được nói đến rất nhiều lần trong các hội nghị - hội thảo chuyên đề về công tác thư viện do Bộ VHTTDL, Vụ Thư viện tổ chức trong nhiều năm qua. Từ năm 2006 cho đến nay, việc xếp hạng thư viện các cấp đều được áp dụng tại các quy định của Thông tư Thông tư 67/2006/TT-BVHTT ngày 10/8/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin. Qua nhiều năm thực hiện, các quy định này đã bộc lộ nhiều hạn chế và không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn của các thư viện trong toàn quốc như: Theo quy định xếp hạng tại Thông tư 67/2006/TT-BVHTT thì việc xếp hạng thư viện chủ yếu là căn cứ vào cấp hành chính để xếp hạng (Thư viện Quốc gia hạng I; Thư viện TP. Hà Nội, Tp. HCM hạng II, Thư viện các tỉnh còn lại là hạng III..), Thông tư đã đánh đồng các thư viện cấp tỉnh trong toàn quốc với nhau mà không xét theo tiêu chuẩn về diện tích, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vốn tài liệu sách, báo, chất lượng kho sách, chất lượng phục vụ bạn đọc và điều kiện thực tế của từng địa phương...,và thậm chí cũng là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VHTT, Sở VHTTDL như nhau nhưng hạng của các đơn vị lại khác nhau: Thư viện xếp hạng III, trong khi các đơn vị còn lại như Bảo Tàng, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng, Đoàn Ca Múa nhạc… lại được xếp hạng II... Chính điều này là một trong những nguyên nhân cản trở rất lớn và làm triệt tiêu động lực phát triển của các thư viện tỉnh, thành trong cả nước về chính sách đầu tư kinh phí cho hoạt động thư viện, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…

+ Còn tại Luật Thư viện năm 2019 và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện thì vẫn chưa quy định rõ và chi tiết việc xếp hạng này mà chỉ nói đến vấn đề đánh giá hoạt động thư viện (Điều 37 Luật Thư viện) và các tiêu chí xác định thư viện có vai trò quan trọng (Điều 3, 4 Dự thảo Nghị định). Trong khi điều mà các thư viện đang thật sự quan tâm là sự phân chia thứ hạng một cách rõ ràng để từ đó nhà nước sẽ có các chính sách đầu tư và phát triển kèm theo thì lại chưa tìm thấy ở các quy định của các nhà làm luật và hướng dẫn thi hành Luật như hiện nay.

Ngày 21/11/2019, đã trở thành ngày hội của hàng trăm ngàn cán bộ viên chức làm công tác thư viện và hàng triệu độc giả yêu mến sách và hoạt động thư viện trong cả nước, ngày mà đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của những người tâm huyết với nghề thư viện vẫn ngày đêm miệt mài dày công đóng góp cho sự trưởng thành của ngành thư viện trong suốt những năm qua. Tất cả những thành quả đó đều được thể hiện bởi 3 chữ thật giản đơn nhưng chứa đựng cả một hành lang pháp lý làm nền tảng cho ngành Thư viện trong toàn quốc có thể củng cố, ổn định và phát triển ngày một tốt đẹp hơn đó là Luật Thư viện.  

Luật Thư viện ra đời đã đánh dấu một bước đột phá và mang đến nhiều điểm mới, nổi bật mà các quy định trước đây về thư viện chưa có. Đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để ngành thư viện có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong xu thế hội nhập, liên thông liên kết và chia sẽ tài nguyên thông tin như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều băn khoăn, trăn trở của những người làm công tác thư viện và hi vọng, trong thời gian tới, với trách nhiệm của mình, Chính phủ và các bộ ngành trung ương, đặc biệt là Bộ VHTTDL sẽ đưa ra các quyết sách thật sự phù hợp với điều kiện thực tế của ngành thư viện trong cả nước nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp thư viện cũng như đáp ứng được sự kỳ vọng của những người làm công tác thư viện và hàng triệu độc giả yêu mến sách và văn hóa đọc như hiện nay.  

 

Thế Vinh

Thư viện tỉnh BR-VT