Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Cụ Bùi Bằng Đoàn (9-1889/9-2019): Từ một vị quan Nam triều trở thành Trưởng ban Thường trực Quốc hội

  • 16/09/2019
  • 146

Từ một vị quan Thượng thư Bộ hình nhà Nguyễn, cụ Bùi Bằng Đoàn với tinh thần nồng nàn yêu nước thương dân, được sự cảm hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vượt qua những định kiến của thời cuộc để tham gia chính quyền cách mạng – chính quyền của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trở thành Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội). Cả cuộc đời cụ luôn nỗ lực và cống hiến hết mình cho dân, cho nước.

Một vị quan Nam triều thanh liêm, chính trực, thương dân

Bùi Bằng Đoàn sinh ra trong một gia đình nhà Nho và làm quan. Ông nội là Tiến sĩ Bùi Tuấn, từng làm giám khảo các kỳ thi Hương, giữ chức Tả Tham tri Bộ Binh kiêm Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh. Cha là Bùi Tập, từng giữ chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa. Không may, cha mẹ mất sớm, Bùi Bằng Đoàn được người chú dượng là Dương Lâm (lúc đó làm Tham tri Nha Kinh lược Bắc kỳ) đưa về nuôi dưỡng và dạy học chữ Hán, định hướng cho con đường thi cử làm quan theo truyền thống gia đình.

Vốn thông minh, ham học nên con đường thi cử, quan lộ của Bùi Bằng Đoàn khá thuận lợi. Khoa thi Bính Ngọ năm 1906, Bùi Bằng Đoàn đỗ cử nhân. Năm 1907, Bùi Bằng Đoàn thi vào trường Hậu Bổ tại Hà Nội; năm 1911, Bùi Bằng Đoàn được xếp hạng thứ nhất khi ra trường. Sau khi tốt nghiệp, Bùi Bằng Đoàn được bổ nhiệm là tri huyện tập sự tại Nam Định, sau đó làm Tri phủ Xuân Trường (tỉnh Nam định), Án sát tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Năm 1933, sau khi về nước, chính thức chấp chính, Bảo Đại tiến hành cải tổ nội các, sắc phong cho 5 Thượng thư trẻ theo trường phái tân tiến thay thế Thượng thư già, bảo thủ, trong đó Bùi Bằng Đoàn thay thế Tôn Thất Đàn là Thượng thư Bộ Hình (Tư pháp).

Khi làm quan, Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, thương dân. Bảng thông báo "không nhận quà biếu" trên công đường ở những nơi cụ làm quan, nếu lỡ nhận rồi thì phải mang trả lại, đã thể hiện rõ ràng về đức “liêm”, “chính”  của một bậc nho sĩ chân chính. Không chỉ am hiểu học thuật, cụ là người rất thực tế, đi sát tình hình và thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm cải thiện đời sống nhân dân. Khi làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), cụ đã đề xuất và thực hiện việc đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn, tạo lập được một vùng canh tác lúa, dâu rộng lớn.

Tính cách cương trực, khẳng khái, không sợ uy quyền của cụ được thể hiện rõ khi được mời làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án Phan Bội Châu. Ở phiên toà quan trọng này, Bùi Bằng Đoàn đã thông dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu. Cuối cùng, tòa án đã không khép được cụ Phan vào án chung thân mà giảm xuống mức "an trí ở Huế". Hoặc như năm 1928, thực hiện nhiệm vụ của triều đình về việc điều tra các đồn điền cao su Pháp ở Nam Bộ, cụ đã đến tận nơi, điều tra một cách thấu đáo, từ đó viết bản báo cáo dày 100 trang bằng tiếng Pháp, phản ánh những điều bất công, vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Bản kiến nghị của cụ tuy không được nhà cầm quyền Pháp chấp nhận toàn bộ, nhưng cũng phần nào giảm được sự hà khắc trong chính sách của Pháp đối với các phu đồn điền cao su thời đó.

Am hiểu về luật pháp và với mong muốn cải cách pháp luật nước nhà theo hướng tiến bộ, nên khi làm Thượng thư Bộ Hình và là thành viên Viện Cơ mật triều vua Bảo Đại, cụ Bùi Bằng Đoàn có nhiều sáng kiến cải cách tư pháp, trong đó có việc bãi bỏ nhiều quy định không phù hợp ở 17 tỉnh, đạo của Trung Kỳ. Cụ đã chỉ đạo và trực tiếp soạn thảo Luật Hình sự mới, Quy tắc tố tụng dân sự và hình sự, Luật Dân sự mới.... của triều đình nhà Nguyễn. Các Luật này có một số quy định có xu hướng tiến bộ, cải cách hoạt động các tòa án và xây dựng đội ngũ thẩm phán.

Từ một vị quan Nam triều trở thành Trưởng ban Thường trực Quốc hội

Cụ Bùi Bằng Đoàn. Ảnh tư liệu: tuyengiao.vn.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ. Vốn chán ghét cảnh quan trường trong thời buổi loạn lạc, cụ Bùi Bằng Đoàn đã từ chối tham gia Chính phủ, cáo quan về quê. Tuy nhiên, Chính phủ Nam triều không chấp nhận và giao cho cụ giữ chức Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội lúc này đang khuyết (chức vụ này trước đây do người Pháp giữ).

Kính trọng phẩm chất, cốt cách của cụ Bùi Bằng Đoàn, trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Minh đã tiếp xúc và mời cụ làm Hội trưởng Hội Bảo vệ tù chính trị. Ngày 2-9-1945, cụ Bùi Bằng Đoàn được mời tham gia dự lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình. Tại buổi lễ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp và bày tỏ nhã ý được mời cụ tham gia chính quyền cách mạng. Tuy nhiên, khi cách mạng thành công, cụ đã “treo ấn, từ quan” về quê ở Liên Bạt, Hà Đông.

Trở thành Trưởng ban Thường trực Quốc hội

Ngay sau khi nước nhà mới giành được độc lập, để đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân và tìm người tài đức ra gánh vác việc nước, ngày 26-8-1945, Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Thường vụ Trung ương, quyết định phải thành lập ngay một Chính phủ lâm thời gồm các bậc danh tiếng tiêu biểu đủ các giới đồng bào trong cả nước. Tiếp đó, Người đã viết bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu quốc thể hiện mong muốn cầu hiền tài với quan điểm: “Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều” . Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một Ban Cố vấn gồm 10 vị giúp việc cho Chủ tịch nước. Với tấm lòng hết mực trân trọng Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định viết "Lời tâm tri”. Người giao Vũ Đình Huỳnh trực tiếp đến gặp Bùi Bằng Đoàn tại nhà riêng và trao bức thư này. Bức thư đề ngày 17-11-1945, có nội dung như sau:

"Thưa Ngài,

Tôi tài đức ít ỏi, và trách nhiệm nặng nề, thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời Ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà dân tộc.

Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe".

Kính thư

Hồ Chí Minh”

Bức thư tuy ngắn, nhưng ý tứ sâu sắc và quan trọng nhất là đã “điểm trúng” tấm lòng yêu nước, thương dân, mong muốn “hung lợi, trừ họa cho nước nhà dân tộc” của Bùi Bằng Đoàn, từ đó mà xóa bỏ băn khoăn, mặc cảm của một vị quan từng là Thượng thư của chế độ cũ đã bị cách mạng đánh đổ. Cụ tâm sự với Vũ Đình Huỳnh: "Hồ Chủ tịch viết cho tôi có hơn năm mươi từ mà trọng nhiệm lớn lao, tôi e mình không làm tròn trọng nhiệm mà Hồ Chủ tịch phó thác.

Tôi ra làm quan từ thuở ngoài hai mươi tuổi, cái thời nước mất, ngoại bang đô hộ, hơn ba mươi năm ở ghế quan trường dưới ba đời vua An Nam. Nay nhờ có Hồ Chủ tịch lãnh đạo, nhân dân ta đã rửa được cái nhục vong quốc, nước Nam ta đã có độc lập, nhân dân ta có tự do, ai nấy đều hả lòng hả dạ.

Ngài Bí thư về thưa lại với Hồ Chủ tịch, tôi xin ứng mệnh "Lời tâm tri" này".

Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, có nhiệm vụ “Nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ” . Ủy ban gồm 40 vị là những trí thức, nhân sĩ, bộ trưởng, thứ trưởng trong đó có Bùi Bằng Đoàn.

Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Điều 2 Sắc lệnh quy định Ban Thanh tra có toàn quyền “đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay tòa án đặc biệt xét xử; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra tòa án đặc biệt”. Bản Sắc lệnh trở thành cơ sở pháp lý cho sự rA đời ngành Thanh tra Việt Nam, cùng với các ngành khác trong bộ máy nhà nước còn sơ khai, non trẻ.

Với chức năng, quyền hạn rất lớn của Ban Thanh tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cân nhắc lựa chọn người đứng đầu cơ quan quyền lực cao của Chính phủ mới. Người chọn Bùi Bằng Đoàn - một người am hiểu về luật pháp và là vị quan có tiếng liêm khiết của triều đình cũ. Sự lựa chọn đó thể hiện tầm nhìn của Hồ Chí Minh trong việc sử dụng nhân tài cho công cuộc kiến thiết đất nước.

Ngay sau khi được giao đảm nhiệm chức vụ, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Chính phủ, Quốc hội giao phó. Cụ đã tổ chức nhiều chuyến đi thị sát các địa phương. Ở đâu Ban Thanh tra cũng kiểm soát kỹ càng các công việc, các sổ sách, giấy má của các công sở và ủy ban địa phương. Ban thanh tra đã có nhiều hoạt động thanh tra về kinh tế - xã hội; về giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; về đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước….

Cuối năm 1946, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay Nguyễn Văn Tố. Trong thời gian giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (từ tháng 11-1946 đến tháng 9-1955), cụ đã được Ban Thường trực Quốc hội ủy nhiệm ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Trên cương vị mới, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có nhiều hoạt động và cống hiến quan trọng đối với Quốc hội, xứng đáng với sự ủy thác của toàn dân giao cho cụ trong thời điểm quan trọng của lịch sử dân tộc.

Cuối năm 1948, cụ Bùi Bằng Đoàn bị bệnh nặng phải đưa về Liên khu 3 chữa trị. Tuy thời gian hoạt động không dài, nhưng Ban Thanh tra Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của cụ Bùi Bằng Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mang lại uy tín cho Đảng, Chính phủ, tạo được sự tin tưởng lớn của nhân dân đối với chính quyền cách mạng. Trong phiên họp từ ngày 14 đến ngày 16-6-1949, Hội đồng Chính phủ đã đánh giá: “Ban Thanh tra đặc biệt đã làm tròn vai trò lịch sử, đã có những đóng góp to lớn, kịp thời vào công cuộc xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng”.

Tham gia Chính phủ cách mạng, với tất cả tâm sức, trí lực của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực nhập thế, dấn thân, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng và trực tiếp tham gia công cuộc kiến thiết đất nước, tham gia xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh. Những thành tựu to lớn đạt được trong những năm tháng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có sự đóng góp rất quan trọng, không thể thiếu của các nhân sĩ, trí thức, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn.

Tấm lòng, khí chất của một nhân sĩ trí thức yêu nước

Dù tham gia Chính phủ Nam triều hay chính quyền cách mạng, dù là vị quan Thượng thư hay Thành viên Ban Cố vấn, là Trưởng ban Thanh tra đặc biệt, sau này là Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Bùi Bằng Đoàn luôn tỏ rõ tấm lòng, khí chất của một nhân sĩ trí thức yêu nước. Cụ làm quan, đảm nhiệm các chức vụ của chính quyền cách mạng vì muốn làm việc đạo giúp dân, cứu nước. Thấm sâu những quan điểm trị quốc, an dân của Nho giáo, khi làm quan, mặc dù tham gia bộ máy chính quyền nhà Nguyễn lúc này là công cụ của thực dân Pháp, áp bức, bóc lột nhân dân, nhưng cụ luôn giữ vững khí tiết trong sạch, thanh liêm, vẫn luôn tìm cách để giúp dân, để nhân dân bớt khổ, bớt đói. Tại phiên tòa đại hình xử nhà yêu nước Phan Bội Châu, trước âm mưu của thực dân Pháp muốn khép tội nặng đối với vị chí sĩ  yêu nước, Bùi Bằng Đoàn rất trung thực, khảng khái dịch lại tất cả những lý lẽ, những điều tâm huyết của Phan Bội Châu. Thời gian làm quan trong chính quyền Nam triều, tuy được giữ nhiều chức vụ và có vị trí cao, nhưng trong con người cụ luôn đau đáu nỗi đau, thấm thía một cách sâu sắc nỗi nhục của người dân mất nước; cụ đã từ bỏ chốn quan trường, về quê, sống cuộc đời ẩn dật.

Với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc và cảm phục tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc để tham gia chính quyền cách mạng, đem hết sức lực, tài năng phụng sự dân tộc. Sự chuyển biến trong tư tưởng của cụ Bùi Bằng Đoàn là sự chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống sang chủ nghĩa yêu nước cách mạng. Cả cuộc đời cụ luôn nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý cá nhân. Ngày 13-4-1955, sau một thời gian lâm bệnh nặng, cụ Bùi Bằng Đoàn từ trần. Với những cống hiến to lớn cho dân tộc, cho cách mạng Việt Nam, một ngày sau khi cụ mất, ngày 14-4-1955, cụ Bùi Bằng Đoàn được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

PGS, TS NGUYỄN XUÂN TRUNG (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 4, tr. 114

2. Lưu trữ tại Kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

https://www.qdnd.vn

Báo Quân đội nhân dân