Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nhiều cơ hội, thách thức cho văn hóa đọc

  • 04/11/2020
  • 464

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của công nghệ nghe nhìn đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc.

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức vừa khép lại cách đây ít ngày đã có sức lan tỏa rộng rãi, nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh học sinh cùng các thầy cô giáo… Được phát động từ tháng 2/2020, cuộc thi thu hút tới hơn 1 triệu học sinh, sinh viên đến từ gần 5.400 trường, học viện của 46 tỉnh, thành tham gia.

Cuộc thi góp phần khơi dậy hứng thú, đam mê đọc sách trong học sinh, sinh viên, người khiếm thị. Từ đó, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ, hình thành thế hệ đọc tương lai. Thực tế, việc tạo lập thế hệ đọc sách là hết sức quan trọng bởi điều này sẽ góp phần hình thành một xã hội học tập suốt đời.

PV VOV phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL.


Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL.

Học sinh, sinh viên không lười đọc sách như mọi người vẫn nghĩ

PV: Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm nay vừa tổng kết và trao giải, vậy so với năm trước, cuộc thi năm nay đã tạo được những điểm nhấn nào đáng chú ý cả về quy mô cuộc thi lẫn chất lượng các bài thi?

TS Vũ Dương Thúy Ngà: Tiếp nối những thành công và khắc phục những hạn chế trong công tác tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2019; trong năm 2020, cuộc thi đã có một số điểm đáng chú ý. Thứ nhất, đối tượng của cuộc thi năm nay có quy mô mở rộng hơn so với năm 2019, dành cho các em học sinh, sinh viên trên cả nước, các trường thuộc lực lượng vũ trang, bao gồm cả người khiếm thị.

Thứ hai, vòng sơ khảo cũng đã có sự thay đổi về cách thức phát động và tổ chức. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra với những diễn biến phức tạp nhiều đơn vị, địa phương đã chủ động, sáng tạo phát động cuộc thi trực tuyến qua trang thông tin điện tử (Website) của các Thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường Đại học hoặc các đơn vị đồng hành với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cuộc thi như: Báo Tuổi trẻ, Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam…

Thứ ba, số lượng thí sinh năm nay gần gấp đôi năm 2019. Cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của hơn 1 triệu học sinh, sinh viên của gần 5.400 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, cao đẳng trong cả nước.

Thứ tư, chất lượng và sự đầu tư cho bài thi đã được nâng cao. Nhiều bài thi được chọn vào vòng chung kết đã thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, cách chọn cuốn sách chia sẻ, nội dung, kỹ thuật viết và khả năng sáng tạo. Các em đã thể hiện niềm say mê và dành nhiều tâm huyết của mình để thực hiện bài dự thi. Nhiều bài dự thi được trình bày rất công phu, trang trọng và đẹp.


Em Đặng Phương Nam, lớp B3-LT35, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an và em Nguyễn Hoàng Yến, học sinh lớp 10A1 Trường THPT Đông Triều, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trở thành hai Đại sứ văn hóa đọc 2020

PV: Việc tổ chức cuộc thi như thế này góp phần như thế nào với việc thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, nhất là trong học sinh, sinh viên hiện nay vốn rất nhanh chóng thích nghi với công nghệ nhưng lại “lười” đọc sách?

TS Vũ Dương Thúy Ngà: Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc dành cho học sinh và sinh viên trên toàn quốc đã góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với thanh thiếu niên nhi đồng. Qua cuộc thi có thể nhận thấy, học sinh, sinh viên không lười đọc sách như nhiều người vẫn nghĩ. Nhiều em đã có những mối quan tâm đến việc đọc của cá nhân mình, bạn bè và cộng đồng. Qua đó, có thể nhận thấy nguyện vọng và sở thích của các em và những vấn đề còn trống vắng trong những hoạt động cần hỗ trợ và khuyến khích học sinh, sinh viên đọc sách. Cuộc thi đã thực sự trở thành một sự kiện văn hóa khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo và đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

Phát triển văn hóa đọc thời 4.0

PV: “Xây dựng văn hóa đọc”, “phát triển văn hóa đọc” đang được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của công nghệ nghe nhìn đang làm cho chủ trương này đứng trước thách thức lớn. Quan điểm của bà về thực tế này?

TS Vũ Dương Thúy Ngà: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của công nghệ nghe nhìn đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc. Nhưng tôi nghĩ cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra những thách thức mà còn tạo nhiều cơ hội cho văn hóa đọc.

Để biến thách thức thành cơ hội, ngành thư viện cũng như xuất bản phải bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số của thời đại nếu không muốn tụt lại phía sau. Chính internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn sẽ giúp cho người đọc tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin của các thư viện và xuất bản phẩm một cách dễ dàng thuận lợi hơn. Công nghệ nghe nhìn sẽ giúp các tác giả, các nhà xuất bản và các thư viện dễ dàng tiếp cận với bộ sưu tập tài liệu đa phương tiện. Mặt khác việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm với hình thức nghe nhìn sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn. Có thể lấy minh chứng, qua kênh “Cùng bạn đọc sách”, sau khi nghe và xem các mục “Sách hay nên đọc” hay “Đọc sách cùng bạn”, nhiều người đã tìm đọc và mua sách để có thể nghiền ngẫm lâu dài.

Để chủ động trước sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ VHTT&DL đang xây dựng Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2020” trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11 tới. Bên cạnh đó, Bộ cũng sắp Tổng kết việc thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ nội dung Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn từ 2021 đến 2030”, trong đó sẽ đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh khoa học và công nghệ không ngừng phát triển.


PV: Đất nước đang không ngừng hội nhập và phát triển, để bắt nhịp với tiến trình này, hoạt động xuất bản, phát hành đang được Bộ VHTT&DL định hướng hoạt động như thế nào?

TS Vũ Dương Thúy Ngà: Để bắt kịp với tiến trình hội nhập và phát triển đất nước, Bộ VHTT&DL cũng đã quan tâm đến việc đổi mới hoạt động xuất bản, phát hành của các đơn vị trực thuộc Bộ. Xác định công tác xuất bản là một trong những hoạt động quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc, bên cạnh thúc đẩy việc chọn, dịch và xuất bản các tác phẩm có giá trị về khoa học và đặc sắc về văn học nghệ thuật của nước ngoài để đem đến cho bạn đọc Việt Nam, Bộ cũng khuyến khích việc xuất bản các tác phẩm đặc sắc của Việt Nam và phổ biến cho bạn bè quốc tế. Đó cũng là một cách để thực hiện giao lưu văn hóa, giúp cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam.

PV: Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, đánh dấu một mốc quan trọng trong hoạt động thư viện thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ VHTT&DL kỳ vọng gì trước Luật Thư viện đối với văn hóa đọc trong cộng đồng?

TS Vũ Dương Thúy Ngà: Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Trong Luật Thư viện đã có nhiều quy định đón trước để các thư viện phát triển và bắt kịp với những yêu cầu đặt ra trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Từ những quy định về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của thư viện, đến những quy định cụ thể về hoạt động thư viện, hiện đại hóa thư viện, phát triển thư viện số, phát triển văn hóa đọc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng Luật Thư viện sẽ tạo động lực cho văn hóa đọc phát triển. Và đó cũng chính là những yếu tố đảm bảo để văn hóa đọc phát triển bền vững trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn bà!

Hà Phương

http://vov.vn

Đài tiếng nói Việt Nam