Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Áp lực của trẻ

  • 07/04/2020
  • 177

Áp lực của trẻ/Eun Young Oh; người dịch Hồ Tiến Huân.- Thanh Hóa; NXB Thanh Hóa, 2018.- 239tr.; 21cm


Hiện nay các bậc cha mẹ tiếp cận nhiều phương pháp mới trong cách dạy con, nhưng đồng thời cũng gây ra một áp lực rất lớn cho những đứa trẻ. Tại sao trẻ không tâm sự với bạn? Ai gây áp lực cho trẻ? Áp lực này đến từ đâu? Làm sao giúp trẻ kiểm soát áp lực để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc?. Cuốn sách “Áp lực của trẻ” sẽ giải đáp chi tiết và cụ thể những vấn đề trên qua từng tình huống thực tế sinh động, giúp các bậc cha mẹ có cái nhìn toàn diện và đúng đắn về tâm lý trẻ, từ đó hướng dẫn con cách giải tỏa áp lực và phát triển tâm sinh lý lành mạnh.

Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào một sự thật là trẻ em Việt Nam đang phải chịu một áp lực quá lớn trên đôi vai nhỏ, một trong những môi trường gây ra áp lực nhất đến với con trẻ hiện nay chính là môi trường học đường. Trẻ em phải học ở trường với thời gian ngang bằng với những nhân viên công sở, tức là 8 tiếng một ngày. Thay vì nhìn vào màn hình máy tính, trẻ em còn phải “căng mắt” để nhìn những dòng chữ ở trong sách, tập trung cao độ nghe và ghi chép lời thầy cô giảng bài. Ngày nay các bậc cha mẹ kỳ vọng ở con cái quá mức, bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình được giỏi giang, trưởng thành một cách tốt nhất. Nhưng họ không nghĩ đến cảm nhận của bọn trẻ. Các bậc cha mẹ đau buồn vì con không hiểu mình, trẻ cũng khổ sở vì không được cha mẹ hiểu. Chính xác hơn là họ không có thời gian để tìm hiểu, không biết từ khi nào, vì muốn con có được cuộc sống tốt nhất, các bậc cha mẹ bôn ba vất vả kiếm tiền, không có thời gian để lắng nghe tâm sự với con. Nhìn từ bề ngoài, có vẻ như cha mẹ đã làm tốt vai trò của mình, nhưng thật ra không phải vậy.

Cuốn sách khuyên các bậc cha mẹ nên thay đổi cách suy nghĩ, đừng chỉ lo tìm kiếm chương trình học tập cho con mà nên xác định những giá trị như: Tôi muốn con tôi trở thành người như thế nào?. Để dạy con trở thành người như thế, tôi nên có thái độ và suy nghĩ như thế nào?. Nếu trong quá trình nuôi dạy, cha mẹ luôn ghi nhớ con mới là chủ thể, thì sẽ không còn áp lực. Thế nhưng, nếu trẻ bị áp lực thì bậc cha mẹ không thể thay trẻ gánh chịu mọi áp lực, mà chỉ có thể tránh tạo cho con mình những áp lực không cần thiết và tăng cường khả năng chịu đựng áp lực của trẻ.

Trong cuốn sách này, giúp các bậc làm cha làm mẹ học cách nhìn từ góc độ của trẻ để giảm bớt áp lực cho trẻ. Đây là mục đích lớn nhất tôi muốn giới thiệu cuốn sách này đến tất cả bạn đọc, đặc biệt là các bậc cha mẹ.

Chúng ta hãy đọc “Áp lực của trẻ” để cùng thay đổi tư duy và đặc biệt là để làm bạn cùng con trẻ. Thư viện trân trọng giới thiệu!.

Bùi Chung

Chi đoàn Thanh niên - Thư viện tỉnh BR-VT